Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh về CCHC, đơn vị thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố rà soát, phân tích các chỉ số CCHC cụ thể, chỉ rõ những hạn chế, chỉ số đạt thấp để từ đó bàn giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Nhờ đó, công tác CCHC của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ việc chú trọng CCHC một cách quyết liệt, đồng bộ đã tác động rõ nét đến lĩnh vực thu hút đầu tư, thúc đẩy và tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư đến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Năm 2023 có khoảng 200 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có những nhà đầu tư lớn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin, Công ty TNHH Cảng Vân Phong, Công ty Cổ phần Tập đoàn The Green Solutions... UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.620 tỷ đồng, tăng 9 dự án so với năm 2022. Một số lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đăng ký đầu tư là: năng lượng tái tạo (phát triển điện gió, điện mặt trời), phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cảng cạn, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2023, lĩnh vực cải cách tài chính công của tỉnh xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố; chỉ đạo điều hành CCHC xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; cải cách thủ tục hành chính xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; cải cách thể chế xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố. |
Năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu triển khai xây dựng Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk tại xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) với tổng vốn đầu tư 476 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành, hoạt động vào cuối năm 2024. Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương liên quan và sự quan tâm kịp thời tháo gỡ khó khăn của tỉnh. Từ khi xây dựng ý tưởng đầu tư dự án, hoàn thiện hồ sơ, khởi công dự án… chỉ diễn ra trong vòng một năm, bảo đảm đúng quy trình, trình tự pháp luật. Điều này tạo ấn tượng, niềm tin cho đơn vị cũng như các nhà đầu tư khác khi lựa chọn Đắk Lắk làm điểm đến để triển khai các dự án trọng điểm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện CCHC hiệu quả, đơn vị chú trọng rà soát thủ tục hành chính (TTHC), đề xuất cắt, giảm, đơn giản hóa TTHC, xây dựng phương án rút ngắn thời gian thực hiện TTHC theo thẩm quyền, bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả trong giải quyết TTHC, loại bỏ những thủ tục rườm rà gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN). Theo đó, nhiều TTHC đã được cắt giảm thời gian xử lý so với quy định, như: thời gian giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký DN khi đăng ký thành lập mới được rút ngắn từ 3 ngày giảm xuống còn 2 ngày làm việc; rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 1 ngày; đặc biệt có một số hồ sơ, thủ tục đơn giản đã được xử lý và trả kết quả ngay trong ngày, từ đó góp phần cắt giảm thời gian gia nhập thị trường cho DN.
Đắk Lắk được đánh giá là một trong những địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ DN nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, phục vụ DN nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư có 110 TTHC được cung cấp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh Đắk Lắk. Trong năm 2023, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử đạt 99,49% (tăng 3,36% so với năm 2022). Điều này đã góp phần công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước, giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC của người dân và DN.
Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. |
Trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn. Định kỳ 2 tuần/lần, UBND tỉnh tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp; một số cơ quan, đơn vị, địa phương như: Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh, UBND TP. Buôn Ma Thuột, UBND huyện Krông Pắc... cũng đã chủ động tổ chức hội nghị đối thoại để gặp gỡ, nắm bắt và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; trao đổi, hướng dẫn DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định.
Để phát huy những kết quả đạt được góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện CCHC; các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh tích cực hoàn thành việc rà soát để làm căn cứ đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, xây dựng, cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng…; kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” để thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực phục phát triển KT-XH. Cùng với đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, hỗ trợ nhà đầu tư, DN, tạo lập “điểm đến hấp dẫn” cho các DN, nhà đầu tư đến đầu tư vào Đắk Lắk.
Đỗ Lan