Theo thông tin dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ ngày 03 đến ngày 10/11/2024, khu vực Trung Bộ và Tây nguyên có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn kéo dài; sau ngày 10/11/2024, mưa lớn tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn.
Trên địa bàn tỉnh thời tiết chủ yếu nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác về chiều và tối, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; từ ngày 5-8/11 có khả năng xuất hiện mưa vừa đến mưa to, tập trung ở khu vực các huyện phía Đông tỉnh, mưa lớn có khả năng gây sạt lở đất, ngập úng vùng trũng thấp.
Từ ngày 03 đến ngày 10/11/2024, khu vực Trung Bộ và Tây nguyên có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn kéo dài (phongchongthientai.mard.gov.vn)
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ trong những ngày tới, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành Công văn số 4306/SNN-PCTT ngày 01/11/2024 gửi UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các Thành viên Ban Chỉ huy chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 3922-CV/TU ngày 16/8/2024 về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động; Chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6293/UBND-NNMT ngày 15/7/2024 về việc triển khai công tác ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm 2024 và nội dung hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 3050/SNN-PCTT ngày 12/8/2024 về chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trong thời gian tới.
Khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn; khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch sớm các diện tích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp đã đến thời gian thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch sớm các diện tích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp đã đến thời gian thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”
Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thuộc phạm vi quản lý và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định.
Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo về mưa lũ để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát các phương án ứng phó đảm bảo an toàn, hiệu quả với diễn biến mưa lũ.
Tổ chức công tác trực ban theo quy định; thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến mưa lũ, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.