Đắk Lắk phát huy thế mạnh nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
Đắk Lắk nằm ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, có tổng diện tích đất tự nhiên 1.307.041 ha, chiếm 24% diện tích tự nhiên vùng Tây Nguyên, đất đã sử dụng cho nông nghiệp 1.189.154 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 655.985 ha (lớn thứ 2 nước), đất lâm nghiệp có rừng gần 500.000 ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng hơn 240.000 ha. Điều kiện đất đai, khí hậu và địa hình sản xuất nông nghiệp tương đối bằng phẳng, có gần 700.000 ha đất Bazan, trong đó có trên 300.000 ha đất đỏ Bazan màu mỡ, thích hợp trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả.
Toàn tỉnh hiện có 205.896 ha cà phê, 28.631 ha hồ tiêu và trên 30.000 ha sầu riêng, lớn nhất nước; Lúa trung bình gieo trồng trên 110.000 ha/năm, đứng đầu khu vực Tây Nguyên; Ngô trên 80.000 ha, đứng thứ 2 cả nước...; có điều kiện phát triển chăn nuôi phát triển chăn nuôi thuận lợi (tổng đàn gia súc, gia cầm trên 15 triệu con, luôn trong tốp 10 của cả nước); có gần 42.000 ha mặt nước thuận lợi phát triển thủy sản nội đồng; khí hậu ôn hòa, thời tiết nhìn chung thuận lợi...
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 30.000 ha sầu riêng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giá cả các mặt hàng nông sản (cà phê, tiêu, sầu riêng) tăng cao, góp phần không nhỏ vào ổn định đời sống cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành đạt 33,680 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, do đó năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch được giao.
Cụ thể, diện tích gieo trồng vụ Đông xuân năm 2023-2024 vượt kế hoạch đề ra, toàn tỉnh gieo trồng được 69.171 ha/57.680 ha, đạt 119,92% kế hoạch, tăng 1.405 ha so với cùng kỳ năm 2023; tổng số lượng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt khoảng 16,5 triệu con, tăng khoảng 2 triệu con. Hoạt động nuôi trồng thủy sản duy trì phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, một số cơ sở tiếp tục phát triển nuôi trồng các loài thủy sản đặc sản.
Toàn tỉnh hiện có 569 hợp tác xã, 229 tổ hợp tác và 868 trang trại; tăng 70 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, 25 trang trại so với cùng kỳ năm 2023. Một số công tác khác như cải cách hành chính và chuyển đổi số, khuyến nông, xúc tiến thương mại... được ngành đẩy mạnh thực hiện, đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Đắk Lắk đã xây dựng hàng loạt vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung thông qua mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, với khoảng 400 hợp tác xã và hàng trăm tổ hợp tác nông nghiệp.
Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (Đắk Lắk) xuất sắc đoạt giải Ba cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh 2023
Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với NTM
Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được triển khai rộng khắp, thực chất. Để phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương gắn với chương trình NTM, thời gian qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP trên phạm vi toàn tỉnh, để các tầng lớp xã hội và người dân thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện Chương trình OCOP.
Các cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đẩy mạnh quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP, nguyên tắc và chu trình OCOP thường niên, đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết, Chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp để chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức 1 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả: lũy kế toàn tỉnh đã công nhận cho 240 sản phẩm OCOP (3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 28 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 184 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 569 hợp tác xã, 229 tổ hợp tác và 868 trang trại
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với các Sở, ban ngành tổ chức đưa các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các sự kiện, Hội Báo toàn quốc năm 2024; Ngày Hội du lịch TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hanoi 2024; Chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp theo Đề án 939, cử cán bộ hỗ trợ hướng dẫn thủ tục Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại ngày Hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2024; Chương trình ngày Hội gia đình năm 2024 tại TP. Hải phòng…
Lũy kế đến nay, tỉnh có 78/151 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tăng 4 xã so với cùng kỳ năm 2023, bình quân đạt 16,13 tiêu chí/xã. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm thực hiện, đến nay đã có 237 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung sản xuất, tạo những vùng sản xuất có giá trị chất lượng cao; liên kết hợp tác, nâng cao chất lượng hợp tác xã; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Đắk Lắk phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; quản lý, bảo vệ phát triển, sử dụng rừng và đất rừng có hiệu quả, bền vững…