Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Ơn, chuyên gia Chương trình OCOP Quốc gia; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự và đưa tin.
Toàn cảnh Hội nghị
Chương trình OCOP được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Sau hơn 05 năm triển khai, Chương trình đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai thực hiện một cách chủ động, đảm bảo đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương. Tính đến ngày 30/4/2023 đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có 5.069 chủ thể OCOP. Trong Quý II năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đánh giá và công nhận OCOP 5 sao cho thêm 22 sản phẩm của 12 chủ thể của 9 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia Chương trình OCOP.
Riêng tỉnh Đắk Lắk, đến nay đã công nhận cho 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao (trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao) trên địa bàn 57 xã, phường. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân.
Qua Chương trình OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại Đắk Lắk cho thấy, các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là để nâng cao về năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Ơn, chuyên gia Chương trình OCOP Quốc truyền đạt thông tin tại Hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến các thông tin về Chương trình OCOP, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế khu vực nông thôn; chuyên đề “Bản chất Chương trình OCOP; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai Chương trình OCOP; bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2023-2025”…
Đồng chí Nguyễn Thiên Văn , Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển sản phẩm, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với sản phẩm OCOP, đồng thời cần xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, trước hết phải tập trung hướng dẫn, hỗ trợ cho các sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP của các huyện, thị xã, thành phố trong năm 2023 theo quy định mới của Bộ tiêu chí OCOP quốc gia; khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tham gia Chương trình về sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu, marketing và quảng bá, phát triển sản phẩm cho các các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP năm 2023; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP.
Thông qua hội nghị này sẽ thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh phát triển đúng hướng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần thiết thực vào thành công của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Đắk Lắk, góp phần hoàn thành mục tiêu có 200 sản phẩm OCOP vào năm 2025 và 300 sản phẩm OCOP vào năm 2030.
Các chủ thể sản phẩm OCOp được trao chứng nhận tại Hội nghị
Hội nghị cũng đã tiến hành công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk đợt I, II, III năm 2022 cho 45 chủ thể, trong đó có 9 chủ thể sản phẩm OCOP có sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 36 chủ thể sản phẩm OCOP có sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao.