Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên
Quy hoạch xác định quan điểm phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như: Nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến bauxite, alumin, nhôm.
Xây dựng nền văn hoá Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hoá khác biệt giữa các dân tộc, đưa văn hoá Tây Nguyên trở thành động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập của vùng.
Bảo đảm an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên với cả nước; bảo đảm an ninh nguồn nước là yêu cầu cấp bách đối với vùng Tây Nguyên.
Tăng cường kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh trong khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong, khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu đưa Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7-7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD.
Quy hoạch xác định 4 đột phá phát triển: Nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; xây dựng và thực thi chính sách phát triển vùng; phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng vùng.
Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là "phên dậu phía tây của Tổ quốc" là "nóc nhà của Đông Dương", thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là nơi gần 6 triệu người thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em cả nước sinh sống./.