Dự Hội nghị còn có đại diện thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các tổ chức đoàn thể; các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã xác định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh luôn đẩy mạnh quán triệt nội dung triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ khuyến nông và phổ biến chủ trương chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, gắn với liên kết tiêu thụ; tổ chức hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến thương mại điện tử, tham gia các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP triển lãm, trưng bày…
Trong giai đoạn 2018 - 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu lồng ghép vào Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ các nội dung nhằm xây dựng, duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 114 chuỗi liên kết do UBND tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã phê duyệt thực hiện, trong đó: Cấp tỉnh 6 chuỗi, cấp huyện 106 chuỗi, cấp xã 02 chuỗi; ngoài ra còn có khoảng 10 chuỗi do doanh nghiệp và người nông dân tự liên kết. Khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; có khoảng 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với doanh nghiệp; số hộ nông dân tham gia liên kết khoảng 15.525 hộ; có 5 tổ chức khoa học tham gia liên kết. Toàn tỉnh có 85 sản phẩm OCOP, (gồm: 09 sản phẩm đạt 4 sao và 76 sản phẩm đạt 3 sao), trong đó có 18 chủ thể là HTX.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng chí đề nghị cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức triển khai đạt hiệu quả; rà soát văn bản, tham mưu trình HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết ban hành hỗ trợ theo đúng nội dung, hồ sơ, trình tự theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khai thác, tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiên Văn đề nghị các Sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; bố trí lồng ghép các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh để thực hiện chính sách; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất, chế biến, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong 05 năm (2018 - 2023) thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ. Sở Nông nghiệp và PTNT được vinh dự là 1 trong 10 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đợt này./.