Các chủ thể sản phẩm OCOP được vinh danh và trao Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo các CTMTQG tỉnh; đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Sau hơn 06 năm triển khai, Chương trình đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương. Tính đến tháng 7/2024, cả nước đã có gần 14 ngàn sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, của 7.643 chủ thể OCOP.
Đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng BCĐ các CTMTQG tỉnh
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh cho biết, tính đến 31/8/2024, toàn tỉnh có 240 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, trong đó: có 03 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm đạt 3 sao của 92/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Với 145 chủ thể sản phẩm OCOP. Trong đó, Doanh nghiệp chiếm 35,86%, Hợp tác xã chiếm 23,45% và Cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh chiếm 40,69%. Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế như Cà phê, Ca Cao, Mắc Ca, ... Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới… Qua Chương trình OCOP, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản nông của tỉnh.
PGS, Tiến sỹ Trần Văn Ơn, NGƯT, Cố vấn OCOP Quốc gia, Giảng viên cao cấp – Trường Đại học Dược Hà Nội
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Ơn, NGƯT, Cố vấn OCOP Quốc gia, Giảng viên cao cấp – Trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ các thông tin về Chương trình mỗi xã một sản phẩm, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đặc biệt, là Chuyên đề: “Lịch sử phát triển Chương trình OCOP; chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP của các địa phương. Bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025 tại tỉnh Đắk Lắk”.
Đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo các CTMTQG tỉnh
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng, nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai Chương trình OCOP cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển sản phẩm, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với sản phẩm OCOP. Xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Đồng chí Dương Tín Đức, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh công bố quyết định công nhận các sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023
Tại hôi nghị, đã công nhận và trao chứng nhận Công nhận sản phẩm OCOP của UBND tỉnh cho 28 sản phẩm của 10 chủ thể sản phẩm OCOP đã đạt được trong năm 2023.