Sản phẩm trái bưởi của hộ sản xuất ở huyện Ea Súp tham gia đánh giá sản phẩm OCOP.
Nâng cấp giá trị cho trái cây
Điều kiện đất đai, khí hậu của Đắk Lắk rất phù hợp với nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, vải, nhãn, bơ, dưa lưới… Hiện nay, diện tích cây ăn quả tăng nhanh, tính đến tháng 9/2023, Đắk Lắk có 51.938 ha cây ăn quả (tăng 8.214 ha so với năm 2022).
Phát huy lợi thế của vùng đất, nhiều hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh đã nâng "chất" một số loại trái cây thành sản phẩm OCOP của địa phương. Trong đó phải kể đến ông Đặng Văn Huy (thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, chủ trang trại Dang Farm) là một trong số những người đi đầu trong việc định hướng, đổi mới quy trình canh tác, nâng cao chất lượng sầu riêng với quy mô lớn, hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm địa phương đạt chuẩn OCOP. Với diện tích 7 ha, sản lượng đạt 40 – 50 tấn quả, vườn sầu riêng được canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc, phân bón hóa học gây hại cho môi trường đất. Quá trình thu hoạch được đảm bảo 100% là sầu riêng chín tự nhiên, không sử dụng cách làm cắt đồng loạt hay hóa chất “nhúng” nhằm kích thích sầu riêng chín nhanh, chín đồng loạt. Với phương châm “Sầu sạch tận tay người tiêu dùng” nên quả sầu riêng sau khi thu hoạch nhanh chóng được cấp đông, qua đó những múi sầu riêng chín tự nhiên, sẽ bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Ông Đặng Văn Huy (thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, chủ trang trại Dang Farm) với sản phẩm sầu riêng cấp đông đạt chứng nhận OCOP.
Chia sẻ về hành trình đưa sầu riêng tươi cấp đông trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, ông Đặng Văn Huy cho biết, quá trình kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, bởi sầu riêng là loại trái cây tươi nên quy trình kiểm tra rất kỹ càng, bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm và rất nhiều tiêu chí khác. Tuy nhiên, với sự ủng hộ, quan tâm của các cấp chính quyền, cùng quyết tâm cao xây dựng chuỗi sản xuất để từng bước xây dựng nhãn hiệu sầu riêng đạt chuẩn, đến đầu năm 2023, sản phẩm “Sầu riêng cấp đông Dang Farm” được Hội đồng chấm điểm xếp hạng OCOP đạt 3 sao ở cả cấp huyện và tỉnh.
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đến nay trên địa bàn Đắk Lắk có khoảng 10 sản phẩm trái cây đạt chứng nhận OCOP như: sầu riêng, bơ, dưa hấu, dưa lưới, cam… Bước đầu, những sản phẩm trái cây được chứng nhận OCOP đã khẳng định được lợi thế của mình so với những sản phẩm cùng loại, được người tiêu dùng quan tâm.
Theo Ông Trần Văn Ơn, chuyên gia Chương trình OCOP quốc gia: "Quan trọng là phải học cách làm thế nào đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất mới nâng cao vị thế và đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm trái cây OCOP nói riêng".
Vẫn khó tìm chỗ đứng riêng
Ông Bùi Thanh Huỳnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Hồ cho biết, trên thực tế, sản phẩm trái cây đạt chứng nhận OCOP vẫn khó tìm được chỗ đứng riêng trên thị trường. Đơn cử như sản phẩm bơ và sầu riêng của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2023. Mặc dù sầu riêng năm nay có giá cao nhưng sầu riêng có chứng nhận OCOP cũng bán giống như giá sầu riêng không có chứng nhận do các thương lái thu mua không quan tâm đến điều đó. Riêng với mặt hàng trái bơ năm nay gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra, giá bán tại vườn chỉ từ 7.000 – 10.000 đồng/kg. Chính vì giá trị chưa cao nên bà con nông dân cũng không mặn mà đầu tư theo yêu cầu của quy trình sản xuất. HTX hiện gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường tiêu thụ cũng như để khách hàng nhận diện sản phẩm OCOP. HTX mong tiếp cận được những chính sách hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm trái cây sau khi đạt chứng nhận OCOP đều rất khó tìm được chỗ đứng riêng và phần lớn người tiêu dùng chưa nhận diện được sản phẩm OCOP. Chính vì vậy, để định vị được sản phẩm trái cây OCOP, trước hết cần tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, bởi trái cây tươi có đặc thù thu hoạch tập trung, tiêu thụ trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, để đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm OCOP, tạo uy tín cho thương hiệu của mỗi mặt hàng trái cây, điều kiện bắt buộc đối với các chủ thể là cần đầu tư thâm canh cây ăn quả theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch, hay ở mức độ cao hơn như ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Ông Đặng Văn Huy chia sẻ: “Để sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải có năng lực cạnh tranh nhất định, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Riêng về sản phẩm OCOP, phải xác định được phân khúc, cách tiếp cận cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó giá trị và lợi ích của sản phẩm mang lại sẽ vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Ngoài ra, người sản xuất cần không ngừng trau dồi và học hỏi thêm nhiều kiến thức; nghiên cứu, đổi mới chất lượng, mẫu mã để làm hài lòng người tiêu dùng”.
Hiện nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh và huyện, ngoài việc mở rộng thêm các sản phẩm, cần chú trọng hơn đến định hướng nâng "chất" sản phẩm trái cây OCOP. Trong đó, cốt lõi là xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị cho sản phẩm trái cây OCOP nhằm nâng sức cạnh tranh để vươn xa ngoài địa bàn tỉnh, thậm chí là thị trường nước ngoài để khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trong dòng chảy hội nhập.