DetailController

Huy động nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp

24/05/2024 14:30
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất trung ương hỗ trợ để xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu ngành, đồng thời định hướng lựa chọn tích hợp ứng dụng số tiên tiến đáp ứng nhu cầu sản xuất và thực tiễn quản lý, qua đó góp phần thúc đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao Giấy khen cho các cá nhân xuất sắc trong công tác Chuyển đổi số.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào sản xuất

Để sản phẩm chuối già Nam Mỹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công Banana Brothers Farm- Huyện M’Drắk cho biết, ngay từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch công ty đều tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, sản xuất tuần hoàn. Công ty đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại từ công đoạn chăm sóc đến chế biến.  

Nhiều nông dân chủ động ứng dụng công nghệ số vào quá trìnhsản xuất, chăm sóc cây trồng

“Ngay từ ban đầu Doanh nghiệp đã xây dựng mô hình trồng chuối công nghệ cao, đưa được sản phẩm chất lượng cao nhất tới tay người tiêu dùng. Hiện nay sản phẩm của công ty được thị trường Trung Quốc và các công ty khác đánh giá cao”, bà Hạnh chia sẻ.

Những năm gần đây, việc số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều hộ dân, DN, HTX ứng dụng vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh mà cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Vừa qua, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk phối hợp triển khai chương trình số hóa cây sầu riêng lên hệ thống bản đồ cây xanh. Mục tiêu từ nay đến tháng 6, đoàn viên, thanh niên tại Đắk Lắk tham gia số hóa 10.000 cây sầu riêng lên bản đồ cây xanh.

Qua đó, thông tin của cây sầu riêng đã được tích hợp lên hệ thống bản đồ cây xanh như: năm trồng, kích thước cây trồng, chiều cao, vị trí trồng cây, chụp hình cây sầu riêng và đăng tải thông số của cây sầu riêng để theo dõi…  Nhiều hộ nông dân ở địa bàn các huyện được đồng hành tham gia xây dựng mô hình nông nghiệp số hướng tới tối ưu hóa lợi nhuận, thay đổi cách thức các bên tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản; xây dựng cộng đồng nông nghiệp số mạnh mẽ, giúp các bên tận dụng tối đa lợi thế nhằm mang lại lợi ích từ chuỗi cung ứng thông minh.

Doanh nghiệp tham gia tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử tại buôn AkoDhông – Thành phố Buôn Ma Thuột

Theo đánh giá Sở NN&PTNT, sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp 2021-2025 cũng đã xác định cụ thể 24 nội dung/nhiệm vụ cần phải triển khai. Qua đó, toàn ngành nông nghiệp đã đơn giản hóa 79 thủ tục hành chính, trong đó dịch vụ công trực tuyến Toàn trình gồm 33 TTHC (chiếm 41,8%) và dịch vụ công trực tuyến Một phần gồm 46 TTHC (chiếm 58,2%). Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đem lại lợi ích rất lớn cho người dân và doanh nghiệp về chi phí, thời gian và hiệu quả công việc.

Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều phần mềm quản lý ngành như: Hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành hàng thủy sản, Phần mềm quản lý ngành hàng cà phê và Phần mềm ứng dụng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới;

Cùng với đó, Sở đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều ứng dụng chuyên ngành, như: Ứng dụng Quản lý nhân sự, Ứng dụng Quản lý Tài chính - Kế toán, Ứng dụng Quản lý Thi đua Khen thưởng, Ứng dụng Quản lý Tài sản, Hệ thống webgis về cơ sở dữ liệu chăn nuôi; Phần mềm cập nhật diễn biến tài nguyên rừng; Hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến..

Kết quả trong 03 năm liên tiếp từ 2020-2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đều xếp thứ 01 về công tác chuyển đổi số trong khối các Sở ngành trên toàn tỉnh. Hiệu quả từ chuyển đổi số trong nông nghiệp đã đem lại hiệu quả tích cực trong quản lý, đem lại sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân.

Cần thêm cơ chế và nguồn lực

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng. Chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Hằng năm, Sở đều xác định rõ lĩnh vực trọng tâm chăn nuôi, trồng trọt, chế biến...để triển khai hiệu quả.

Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc rõ ràng

Thời gian qua, Sở đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhiều nông dân đã tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và giám sát quy trình sản xuất. Đối với hoạt động kinh doanh, nhiều sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng xã hội quảng bá, giới thiệu, bán trực tuyến.

Tuy nhiên, theo nhận định của Sở NN&PTNT, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn hành lang pháp lý chưa đầy đủ, thiếu định hướng chung từ trung ương để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã người dân tổ chức thực hiện; thiếu cơ chế cho phép, hướng dẫn thử nghiệm các mô hình mới dẫn đến việc các cơ quan, đơn vị chưa mạnh dạn, yên tâm triển khai.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp còn rất hạn hẹp, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; việc huy động các nguồn lực xã hội hóa còn lúng túng, thiếu giải pháp khả thi, chưa thực sự hiệu quả; các hoạt động ứng dụng CNTT trong nông nghiệp của các địa phương còn manh mún, không có tính tổng thể, liên thông.

Để triển khai chuyển đổi số hiệu quả, ông Nguyễn Hoài Dương cho rằng, chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu thực tế nhiệm vụ chuyên môn, các đơn vị phải chủ động, thường xuyên rà soát, đánh giá, xác định các nội dung thiết thực, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên để đề xuất đặt hàng với các đơn vị tư vấn cung cấp phần mềm, cơ sở dữ liệu. Tích cực vận động và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư chuyển đổi số.

Sở cũng đã kiến nghị tỉnh cho chủ trương xây dựng 1 đề án hệ thống hoá lại những nội dung cần thiết phải làm và cần kết nối trong chuyển đối số trong nông nghiệp để có thể ứng dụng phù hợp trong thực tiễn sản xuất cũng như thực tiễn quản lý.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đề xuất Bộ NN&PTNT cần sớm rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng chuyển đổi số được triển khai rộng rãi trên thực tế, đặc biệt là xác định định hướng chung từ trung ương để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã người dân tổ chức thực hiện, đảm bảo tính liên thông, kết nối như: Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp; xây dựng các phần mềm, cơ sở dữ liệu để thống kê các chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp như: sản phẩm sản xuất theo chứng nhận, ứng dụng công, nông nghiệp hữu cơ, tỷ trọng kinh tế số…

Ông Nguyễn Quốc Toản- Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của Đắk Lắk là sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ này “Đầu tiên là phải hiểu đúng cùng nhau, giống nhau và làm như nhau thì đó là trách nhiệm của cả doanh nghiệp, của cả các nhà khoa học và của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, bà con nông dân phải có không gian cùng chia sẻ, kể cả vướng mắc trong thực tiễn đó là thông qua mô hình hợp tác xã, thông qua hội nhóm thì chúng ta có thể chia sẻ. Có thể thông qua chia sẻ đấy sẽ có nhiều phát kiến từ cơ sở, cả khó khăn và vướng mắc để hoàn thiện các sản phẩm chuyển đổi số trong nông nghiệp”.

(Theo https://daklak.gov.vn)

LienKetView