Nông dân chung sức xây dựng NTM
Thời gian qua, việc thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện cụ thể hóa bằng cách gắn với thực hiện 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, phát triển kinh tế, giảm nghèo, tăng thu nhập cho hội viên được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng.
Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất của nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới
Hội đã tập trung đẩy mạnh phong trào nông dân giỏi giúp nông dân nghèo, tuyên truyền vận động gia đình hội viên tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua, Hội duy trì hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ trên 1.991 tỷ đồng cho trên 50.000 lượt hộ vay; phát triển Qũy hỗ trợ nông dân đạt 30,5 tỷ đồng cho hơn 3.000 hộ vay. Ngoài ra, Hội phối hợp mở 272 lớp đào tạo nghề cho hội viên, nông dân. Từ các hoạt động này đã giúp nhiều cán bộ, hội viên vươn lên phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay đã giúp nhiều nông dân xây dựng được các mô hình kinh tế phù hợp. Cùng với đó, các tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác sản xuất lần lượt ra đời nhằm tập hợp hội viên, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và liên kết tiêu thụ đã góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn.
Anh Y Yat Niê (giữa) ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng chia sẻ cách chăm sóc sầu riêng với các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp chăm sóc sầu riêng.
Như gia đình anh Y Yat Niê (buôn Đê), thành viên Tổ hội nghề nghiệp chăm sóc sầu riêng xã Ea Hồ, huyện Krông Năng có 1,1 ha sầu riêng, được vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện để mua phân bón và sửa hệ thống tưới cho vườn cây. Anh Y Yat chia sẻ: "Nhờ được bón phân, tưới nước đầy đủ nên vườn sầu riêng sinh trưởng tốt. Vụ mùa vừa qua, vườn cây cho thu lứa quả đầu tiên đạt hơn 3 tấn, lãi gần 80 triệu đồng. Cũng nhờ có hệ thống tưới nước tự động đã giúp gia đình giảm công lao động, hiệu quả được nâng lên rõ rệt". Ngoài được tiếp cận nguồn vốn vay, khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăm sóc sầu riêng, hội viên còn chung sức hỗ trợ các nông hộ khác cùng phát triển và đóng góp xây dựng NTM tại địa phương.
Hưởng ứng công tác vận động, trong 5 năm qua, hơn 10.000 nông hộ đã vươn lên thoát nghèo; nông dân Đắk Lắk đã đóng góp trên 54 tỷ đồng và gần 84.000 ngày công, hiến hơn 326.000 m2 đất cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn…
Diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày
Đến Đắk Lắk hôm nay, sự đổi thay hiện rõ ở từng đường làng, ngõ xóm kể từ khi triển khai xây dựng NTM. 12 năm trước, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, Đắk Lắk chỉ mới đạt 508/2.888 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 17,6%), trong đó chỉ 3 xã đạt từ 10-12 tiêu chí (2%), 51 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (34%), 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí (53%); bình quân toàn tỉnh chỉ mới đạt 3,34 tiêu chí/xã. Nhiều xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện khó khăn, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí.
Y tế cơ sở góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân, nâng cao chất lượng tiêu chí số 15 về Y tế trong xây dựng NTM.
Với sự đầu tư quyết liệt, hệ thống giao thông nông thôn đã không ngừng phát triển, đồng bộ từ tỉnh đến trung tâm các huyện, xã trên địa bàn. Đến nay, Đắk Lắk đã nhựa hóa, bê tông hóa được gần 2.000 km đường xã (đạt tỷ lệ 72,5%); cứng hóa 2.760 km đường thôn, buôn (đạt tỷ lệ 65%); kiên cố gần 1.600 km kênh mương các công trình thủy lợi…
Diện nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện 100% số xã đều được phủ lưới điện quốc gia, hộ sử dụng lưới điện chiếm 99%; hệ thống bưu điện đã phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa; internet tốc độ cao đến hầu hết các điểm bưu điện, trung tâm văn hóa xã và các thôn, buôn. Hầu hết người dân ở địa bàn nông thôn đều được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông.
Một trong những nội dung cốt lõi mà Đắk Lắk đặc biệt quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thực hiện trong hành trình xây dựng NTM chính là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, khai thác đúng lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Đến nay, Đắk Lắk đã công nhận cho 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao của 93 chủ thể sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Cà phê, cacao, hạt macca, sầu riêng, tinh bột nghệ, yến sào, vải thổ cẩm…
Nhà văn hóa thôn Ea Lang thuộc huyện Krông Bông - một địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk được đầu tư xây dựng khang trang.
Ngoài ra, để chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho người dân, đã có 15 trung tâm văn hoá – thể thao cấp huyện được xây dựng và đưa vào sử dụng; 61 trung tâm văn hoá – thể thao xã đảm bảo theo chuẩn quy định và 1.858 thôn, buôn có trụ sở sinh hoạt văn hoá.
Tính hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 74 xã đạt 19/19 tiêu chí; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1/15 đơn vị cấp huyện (TP. Buôn Ma Thuột) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trong các tháng cuối năm 2023, Đắk Lắk tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng trong Chương trình xây dựng NTM. Đó là: Tiếp tục thực hiện, giữ vững tiêu chí NTM đã đạt được và nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu lũy kế toàn tỉnh có 86 xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2025 có trên 65% số xã đạt chuẩn NTM (tương ứng 100/152 xã); có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; có 200 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên…
Đồng thời, huy động, lồng ghép đa dạng hoá các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy định chỉ tiêu của các tiêu chí còn bất cập. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM, nhất là nâng cao nhận thức của người dân.
Đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang tại xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.