DetailController

Nước sạch cho hiện tại và tương lai

11/06/2024 01:47
An ninh nguồn nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn... là những vấn đề về nước sạch được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, cũng như là vấn đề thời sự của cả hành tinh, dư luận rất quan tâm.

Nước sạch chính là sự sống. Chính vì thế, Nghị quyết A/RES/47/193 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức chọn ngày 22/3 hằng năm làm “Ngày Nước thế giới” (hay còn gọi là Ngày Nước sạch thế giới). Đó là một trong những ngày kỷ niệm toàn cầu được tổ chức trên khắp thế giới nhằm truyền thông và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch với sự tồn tại của mọi sinh vật.

Do khí hậu trái đất nóng lên, biến động địa chính trị và sự phát triển của các ngành kinh tế, tài nguyên nước đang đứng trước nhiều thách thức. An ninh nước sạch, một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đã và đang đặt ra đối với toàn cầu, không riêng Việt Nam.

Việt Nam có bốn mùa mưa nắng, có rất nhiều hệ thống sông ngòi. Cụ thể, nước ta có khoảng 2.360 con sông dài trên 10km. Bên cạnh đó là vô số sông nhỏ và ngắn. Có 16 lưu vực sông lớn với diện tích trung bình trên 2.500km2. Nói đến hệ thống sông, ai cũng biết đến hệ thống sông Hồng ở phía Bắc, hệ thống sông Cửu Long ở phía Nam.

Đó là tiềm năng cung cấp nước sạch cho sản xuất và đời sống, giúp phát triển văn hóa, du lịch, giao thông thủy nội địa, điều hòa nhiệt độ, tạo nên cảnh quan độc đáo trên thế giới. Đó là chưa nói đến nguồn lợi thủy sản mà sông ngòi mang đến cho con người. Mưa nhiều, sông lắm, diện tích mặt nước (ao, hồ, đầm, phá...) còn tạo ra nguồn nước ngầm cũng rất lớn.

Trước đây, vì tiềm năng nước sạch quá lớn, cho nên “văn hóa tài nguyên nước” hình thành còn chậm; ý thức về bảo vệ tiềm năng nước sạch chậm được luật hóa, đưa vào các quy hoạch, chiến lược.

Hệ quả là một số dòng sông đã và đang “chết” do ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; là rất nhiều ao hồ bị lấp nhường “mặt bằng” cho giao thông, xây dựng nhà ở. Và cũng do sự phát triển của các ngành kinh tế như công nghiệp, điện lực... nên nước ngầm ngày càng tụt, thậm chí ô nhiễm cả tầng nước ngầm. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, tiềm năng nước đang bị đe dọa còn do quá trình phát triển của một số quốc gia lân cận và thượng nguồn sông Mê Kông.

Chậm vẫn hơn không. Tháng 11/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước, gồm 10 chương, 86 điều. Luật quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. Đã đến lúc cần phải kiểm soát, bảo vệ tài nguyên nước chặt chẽ từ quy hoạch, chiến lược... xây dựng văn hóa sử dụng nước sạch trong Nhân dân. Sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, vì hôm nay và cả tương lai.

Nguồn: Báo Pháp luật

LienKetView