DetailController

Phát huy vai trò của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn

24/09/2024 14:08
Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng đã có 4 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Ảnh: Anh Minh

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chính vì vậy, chương trình OCOP cũng được coi là nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk thời gian qua.

Thực hiện Quyết định số 1576/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk về phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”, các địa phương đã xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; hình thành sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, vừa khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, vừa chuyển tải những sản phẩm mang tính nhân văn vùng, miền, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Chương trình OCOP cũng được coi là nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk thời gian qua. Ảnh: Anh Minh

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 240 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm 3 sao. Thương hiệu của nhiều sản phẩm nông sản OCOP của Đắk Lắk đã được khẳng định, nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế, như: Hạt macca Đắk Lắk cao cấp của Công ty CP Damaca Nguyên Phương, cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường, nấm linh chi Thành Đồng của Công ty CP thực phẩm xanh Thành Đồng, gạo ST25 Ea Kar của HTX Nông nghiệp 714, cà phê bột nguyên chất của HTX NNDV Công Bằng Ea Tu…

Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Là một trong những đơn vị điển hình trong xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã có 4 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao là: Nấm linh chi, Nấm mèo, Nấm bào ngư, Nấm sò. Ông Đoàn Xuân Trường, Tổng Giám đốc công ty cho biết, tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng.

Cơ sở Trà thảo mộc Cô Ngát Natural với sản phẩm trà thảo mộc đạt chứng nhận OCOP 3 sao tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và các em khuyết tật. Ảnh: Anh Minh

Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn. Từ việc thực hiện chương trình, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ đã chuyển sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, theo nhu cầu thị trường, hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện doanh nghiệp cũng tham gia các kênh xúc tiến thương mại, trang mạng xã hội, nên sản phẩm OCOP của đơn vị đã có thể tiếp cận được nhiều thị trường mới, góp phần thúc đẩy không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu của sản phẩm nông sản.

Việc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống vật chất cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân ở khu vực nông thôn. Vì vậy, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương để cùng với các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Điều này sẽ có nhiều thuận lợi để sản phẩm tiếp cận vào các thị trường lớn.

Các cấp sở, ngành tỉnh Đắk Lắk luôn lồng ghép tuyên truyền, vận động các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm sau 36 tháng. Ảnh: Anh Minh

Có thể thấy, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk đều là những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, góp phần quan trọng giải quyết việc làm nông thôn, phát triển kinh tế các địa phương, nâng cao mức sống cho người nông dân. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi cũng như nâng cao chất lượng cho các sản phẩm OCOP, các cấp sở, ngành tỉnh Đắk Lắk luôn lồng ghép tuyên truyền, vận động các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm sau 36 tháng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, để phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phối hợp thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tham gia Chương trình.

Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý Chương trình và sản phẩm OCOP; kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP...

https://thanhtra.com.vn/

LienKetView