hình khỉ tại vườn quốc gia Yok-don tỉnh Đắk Lắk
1. Nguyên nhân gây bệnh
Ảnh minh hoạ: Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người
Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Virus này có hai chủng chính là Congo và Tây Phi. Trong đó chủng Congo thường gây bệnh nặng hơn, với tỷ lệ tử vong khoảng 10%, và chủng Tây Phi là khoảng 1%.
Virus đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát bệnh giống như thủy đậu xảy ra ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm được giữ để nghiên cứu. Do đó, tên bệnh được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.
Các loại virus khác cùng họ thường gây ra các bệnh như đậu mùa, còn được gọi là bệnh đậu bò. Tuy nhiên, virus đậu mùa khỉ đã được tìm thấy ở một số loài động vật, bao gồm một số loài khỉ và động vật gặm nhấm khác. Virus cũng có thể lây sang người, nhưng con người không phải là ổ chứa tự nhiên của virus.
2. Thời gian ủ bệnh và đường truyền lây
Sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ có thể từ 6-13 ngày hoặc ở phạm vi dài hơn, cụ thể là 5-21 ngày. Sau đó, các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện, bao gồm nhiều dấu hiệu giống bệnh đậu mùa như: sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và các tổn thương lan rộng trên da, nổi mủ và vỡ ra.
Mặt khác, miễn là không có triệu chứng, một người bệnh vẫn có thể truyền virus đậu khỉ cho người lành khác.
Hiện nay, động vật gặm nhấm là nguồn lây chính. Tại châu Phi, virus đậu mùa khỉ được tìm thấy ở nhiều loại động vật khác như sóc, chuột,… Người lành có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ thông qua 3 con đường chính:
Virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương (vết cắn hoặc vết xước) của động vật mang virus.
Ăn thịt chưa nấu chín kỹ và sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.
Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc chạm vào giường, quần áo bị ô nhiễm. Ở người, virus lây truyền trong quá trình tiếp xúc gần người mắc bệnh, thông qua dịch thể, các tổn thương ở da hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng). Virus lây truyền chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, song, virus không thể văng xa, vì vậy cần phải tiếp xúc gần mới có thể lây nhiễm.
3. Chẩn đoán bệnh
Nếu có các yếu tố nguy cơ dưới đây, bạn cần được chẩn đoán để sớm phát hiện và điều trị bệnh:
Tiếp xúc gần (sống, làm việc) với những người bị bệnh đậu mùa khỉ;
Đã đi du lịch đến một quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ;
Đã tương tác với động vật nhập khẩu;
Bị cắn hoặc cào từ động vật bị nhiễm bệnh;
Ăn thịt nấu chín một phần hoặc các sản phẩm khác của động vật bị nhiễm bệnh;
Thăm hoặc sống gần khu rừng mưa nhiệt đới;
Tiến hành chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ bằng các phương pháp sau:
a) Tiền sử bệnh: Vấn đề này bao gồm lịch sử du lịch, tiếp xúc, ăn uống của người bệnh để giúp bác sĩ xác định nguy cơ.
b) Xét nghiệm: Thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác định sự hiện diện của virus đậu mùa khỉ.
Một trong những xét nghiệm phổ biến là xét nghiệm tăm bông hoặc xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR), nhằm phân tích các mẫu lấy từ các tổn thương da hoặc các vùng da bị ảnh hưởng bởi bệnh đậu mùa khỉ.
c) Sinh thiết: Xét nghiệm được thực hiện bằng việc lấy bệnh phẩm một phần của mô da, sau đó sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định sự hiện diện của virus, từ đó giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
4. Triệu chứng bệnh
Quá trình nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được chia làm 2 giai đoạn với các dấu hiệu đặc trưng. Giai đoạn đầu tiên là virus xâm nhập, kéo dài từ 0-5 ngày, triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng). Nổi hạch là điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với những bệnh khác, có biểu hiện ban đầu tương tự như thủy đậu, sởi, đậu mùa thông thường.
Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong 1-3 ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương chứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).
Một số triệu chứng đặc hiệu giúp phân biệt bệnh đậu mùa thông thường và bệnh đậu mùa khỉ: Đậu mùa khỉ khiến các hạch bạch huyết sưng lên. Khi người bệnh bị sốt, đặc trưng của virus đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, khởi phát sau 1-3 ngày. Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể.
Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua quá trình từ rát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch) sau đó là mụn mủ. Cuối cùng, các vết thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo. Các triệu chứng có thể tồn tại hơn 4 tuần mới hồi phục, nhưng thường biến mất sau 2 tuần. Da của người mắc bệnh sẽ hình thành sẹo do tổn thương.
5. Phòng, chống dịch bệnh
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan Y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, không được tự ý điều trị.
- Ở những khu vực có vi rút Đậu mùa khỉ lưu hành trên động vật, cần áp dụng các biện pháp giảm thiểu tiếp xúc với động vật hoang dã, điều này sẽ giảm nguy cơ lây bệnh từ lây lan bệnh sang con người và động vật hoang dã.
- Việc buôn bán động vật hoang dã (bao gồm thịt và các sản phẩm từ động vật hoang dã) và các động vật có vú khác đều có thể dẫn đến sự lây lan bệnh Đậu mùa khỉ xuyên biên giới.
- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ khi trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khoẻ.
* Khuyến cáo: Khi phát hiện các trường hợp động vật nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ trên động vật cần báo cáo ngay với cơ quan chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố) để thực hiện tổ chức lấy mẫu và gửi đến phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để chẩn đoán, xác định tác nhân gây bệnh.