Toàn cảnh buổi làm việc
Phần lớn các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được xây dựng từ những năm 2000 đến nay đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, gần trường học, chợ, hầu hết các cơ sở hoạt động lâu năm không được nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở giết mổ động vật tập trung; tuy nhiên, chỉ kiểm soát giết mổ được tại 23 cơ sở giết mổ động vật tập trung (03 cơ sở đang bị tạm dừng hoạt động do chưa khắc phục các sai lỗi, không đủ điều kiện hoạt động, 01 cơ sở ngừng hoạt động). Các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh khá lớn gây khó khăn trong việc định hướng các cơ sở giết mổ này vào cơ sở giết mổ tập trung.
Hệ thống thú y các cấp (đặc biệt là thú y cấp xã, phường, thị trấn) là lực lượng quan trọng trong triển khai, thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại cơ sở; tuy nhiên, đến nay chế độ cho lực lượng này vẫn chưa đảm bảo, chưa có Nghị quyết về bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nên đã gây khó khăn trong công tác thực hiện kiểm soát giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Một số huyện cũng đã xây dựng quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung nhưng vị trí hiện tại của các cơ sở giết mổ không còn phù hợp...
Đồng chí Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi làm việc
Với mục đích tìm kiếm tiếng nói chung trong công tác quy hoạch, xây dựng, vận hành và quản lý các khu giết mổ một cách hiệu quả, phù hợp với các quy định pháp luật và đặc thù của địa phương; hai bên đã tích cực trao đổi thẳng thắn, chân tình và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Một trong những quan điểm được sự thống nhất cao trong buổi làm việc, đó là:
Thứ nhất, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh quy hoạch về khu giết mổ tập trung. Trong đó, Nhà nước cần giải phóng mặt bằng tạo khu quy hoạch lò mổ, sau đó cho các cơ sở giết mổ thuê diện tích này để hình thành lò mổ.
Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk nêu một số giải pháp trong quy hoạch và quản lý công tác giết mổ
Thứ hai, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giết mổ động vật tương đương 30-40% và áp dung chặt chẽ quy định về cơ sở giết mổ tập trung.
Thứ ba, làm tốt công tác tuyên truyền và áp dụng chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm trong giết mổ động vật như không lăn dấu kiểm dịch, vi phạm về bảo vệ môi trường, vi phạm trong xử lý nước thải...
Sau buổi làm việc Đoàn đã đi thăm một số lò mổ tập trung được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk giới thiệu để nắm bắt thêm thông tin và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa.