Đến tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH), các Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi Cục PTNT các tỉnh và đại diện Lãnh các Sở Nông nghiệp và PTNT, LĐTBXH, Dân tộc và đại diện Lãnh đạo các huyện, Phòng Nông nghiệp, Phòng Lao động các huyện của tỉnh Gia Lai. Các đại biểu tham gia báo cáo, thảo luận các nội dung về:
- Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp: công tác tham mưu, hướng dẫn các nội dung và cách thức triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của địa phương.
- Thảo luận, chia sẻ về việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2021-2023. Các bài học kinh nghiệm triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có hiệu quả ở các địa phương.
- Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 – 2025.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT cho biết, hiện nay, việc triển khai các chính sách thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đang gặp nhiều vướng mắc, tiến độ thực hiện các nội dung chậm. Hội thảo lần này mong muốn nghe được nhiều ý kiến từ đại biểu đại diện các địa phương về thực tế tình hình triển khai cơ chế chính sách hiện nay tại các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Trên cơ sở kết quả triển khai những năm qua, các địa phương đề xuất những giải pháp, làm cơ sở để gửi đến các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn,vướng mắc, sớm đưa chính sách vào cuộc sống.
Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, Dự án hỗ trợ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phân bổ 5.500 tỷ đồng kinh phí, hỗ trợ sản xuất lĩnh vực nông - lâm - ngư, diêm nghiệp cho 693 dự án với khoảng hơn 37.520 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Tuy nhiên, năm 2023, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch mới chỉ đạt 3,43%, nhiều nội dung chậm triển khai đến cơ sở.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày 5 tham luận và nhiều góp ý, chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện như: Khó khăn hiện nay là hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình từ Trung ương còn chậm, thiếu đồng bộ và thống nhất; nội dung và cơ chế, hướng dẫn của các địa phương ban hành chậm trễ, không có cơ sở tổ chức thực hiện; các định mức hỗ trợ chưa rõ ràng, nhiều địa phương còn lúng túng trong nắm bắt các văn bản, hướng dẫn.... nên nguồn vốn khó được giải ngân, các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thời gian qua chậm đến được với dân.
Các tham luận, góp ý tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp để tham mưu cho bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và PTNT