DetailController

Vai trò của lực lượng Thú y cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại tỉnh Đắk Lắk

04/09/2024 09:12
Lực lượng Thú y cơ sở (Thú y cấp xã) là những người “Cống hiến thầm lặng” trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Với sự hoạt động tích cực của hệ thống Thú y từ tỉnh đến xã, đặc biệt là các nhân viên Thú y viên cơ sở trong công tác phòng, chống dịch được triển khai hiệu quả, các loại dịch bệnh đã được phát hiện sớm, xử lý kịp thời.

Lực lượng Thú y cơ sở thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

Hiện nay, quy mô sản xuất chăn nuôi của tỉnh Đắk Lắk đứng đầu vùng Tây Nguyên và nằm trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy mô đàn vật nuôi truyền thống (lợn, gia cầm, bò, dê...) lớn nhất cả nước (theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023), tỉnh Đắk Lắk có đàn vật nuôi: 1.061.000 con lợn đứng thứ 5 toàn quốc, 132.000 con dê đứng thứ 6 toàn quốc, 250.000 con bò đứng thứ 6 toàn quốc, 16.000.000 con gia cầm đứng thứ 7 toàn quốc. Để được kết quả trên, có sự đóng góp rất to lớn của 224 nhân viên Thú y cơ sở tại 184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với số tiền phụ cấp khiêm tốn là 01 xã/01 hệ số lương tương đương 1.800.000/tháng (2.340.000 mức hệ số lương mới) có nhiều địa bàn xã diện tích rộng, tổng đàn lớn có 2-3 người/xã thì mức phụ cấp cũng chia cho 2-3 người (khoảng 600.000 - 900.000 đồng/người).

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngành Chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk, dịch bệnh động vật nuôi cũng là khó khăn, thách thức lớn cho ngành Thú y. Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên động vật nuôi xảy ra hết sức phức tạp, ở trâu bò xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục, Lở mồm long móng, ở lợn có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), ở gà, vịt nuôi có Cúm gia cầm, ngoài ra, bệnh Dại chó tại tỉnh Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có số ca bệnh Dại nhiều nhất trên toàn quốc. Năm 2024, tính từ đầu năm đến nay: Dịch bệnh DTLCP đã xảy ra tại 41 hộ, 26 thôn/buôn, 15 xã/phường/thị trấn của 8 huyện làm chết và tiêu hủy 321 con với tổng khối lượng 12.933 kg. Bệnh Dại, phát hiện và ghi nhận 17 con chó tại 14 hộ (03 con chó hoang không xác định được chủ), 17 thôn/buôn, 13 xã/phường/thị trấn, 6 huyện, tổng số con chó bị chết và tiêu hủy do mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại là 37 con. Lực lượng Thú y cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác chống dịch, là những người trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh như: tham gia điều tra ổ dịch, lấy mẫu, báo cáo dịch bệnh, tiêu huỷ động vật chết, … tham mưu UBND cấp xã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hình ảnh: Thú y cơ sở thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng môi trường tại địa phương

Vai trò của mạng lưới Thú y cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh được thể hiện rõ nét với những nhiệm vụ cụ thể như: (i) Thống kê đàn vật nuôi định kỳ, đột xuất; (ii) Giám sát, phát hiện, chữa trị bệnh cho động vật, báo cáo dịch bệnh từ cấp xã lên cấp cao hơn; (iii) Tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong các chiến dịch tiêm tập trung, tiêm chống dịch, tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm như bệnh Dại ở động vật; (iv) Thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh; (v) Tổ chức kiểm soát giết mổ động vật, nhất là trong điều kiện thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; (vi) Thực hiện các nhiệm vụ khác về Thú y.

Hình ảnh: Thú y cơ sở thực hiện tiêm phòng Dại chó

Tuy nhiên mạng lưới Thú y cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, vất vả do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, địa bàn rộng, đường giao thông không thuận lợi, nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn hạn chế, chế độ phụ cấp cho lực lượng Thú y cấp xã quá thấp, không có chế độ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội…trong khi luôn phải đối mặt với áp lực và rủi ro nghề nghiệp. Mức phụ cấp và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức phục vụ, nhiều Thú y đã nghỉ việc; các địa phương vất vả tìm nhân viên Thú y mới thay thế, ảnh hưởng đến công tác quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh tại địa bàn tỉnh. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện như Cúm gia cầm thể động lực cao A/H5N1, A/H5N6, Dại động vật, DTLCP, Viêm da nổi cục trâu, bò, …gây áp lực rất lớn đến công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh và tổ chức phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Trong khi đó, chăn nuôi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh. Trước những khó khăn trên, càng đòi hỏi lực lượng cán bộ Thú y cơ sở phải sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, phát huy hơn nữa kết quả đạt được để công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được chủ động, hiệu quả và đồng bộ giữa các cấp. Ngành Thú y tỉnh Đắk Lắk mong muốn chính quyền các cấp, các ngành, cần có thêm những chủ trương, chính sách thu hút, phù hợp đối với đội ngũ Thú y cơ sở để họ yên tâm gắn bó, tâm huyết với công việc. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển giao kiến thức khoa học, kỹ thuật mới tới đội ngũ Thú y cơ sở nhằm mục đích cuối cùng tạo điều kiện cho ngành Chăn nuôi  trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

LienKetView