Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có bà Lê Thị Thanh Thủy- Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, ông Ra Lan Trương Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Sở, ngành.
Ông Vũ Ngọc Dũng – Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, khối Khoa giáo Văn xã, Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe báo cáo tình hình triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và thảo luận một số tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bà Lê Thị Thanh Thủy- Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Theo đánh giá của Sở TT&TT, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm chỉ đạo vận hành, sử dụng phần mềm iDesk; ban hành các quy định gửi, nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng; thực hiện ký số trên các văn bản điện tử và xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Ông Ra Lan Trương Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc
Qua công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát và lấy ý kiến về việc hiệu quả sử dụng phần mềm iDesk trong việc gửi/nhận văn bản điện tử các đơn vị đánh giá rất cao hiệu quả của việc sử dụng phần mềm iDesk trong công việc, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho việc xử lý văn bản; công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành công việc của lãnh đạo được thuận lợi hơn.
Các cơ quan nhà nước của tỉnh đã thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. 100% các cơ quan, đơn vị có phần mềm iDesk đã thực hiện gửi/nhận văn bản điện tử có ký số và xác thực điện tử. Đã hoàn thành việc chuyển đổi mã định danh điện tử cơ quan, tổ chức theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Ông Trương Quang Trung – Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Cổng thông tin điện tử tỉnh- Văn phòng UBND tỉnh tham gia ý kiến
Thống kê từ ngày 15/12/2021 đến ngày 18/10/2022 tổng số văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh qua trục liên thông văn bản quốc gia có: 1.049.087 trong đó 568.630 văn bản đi, 480.457 văn bản đến trên hệ thống, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 96%.
Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Số lượng Chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cấp tính đến ngày 19/10/2022 tỉnh Đắk Lắk có: 6.748 (5.735 cá nhân, 1.013 tổ chức); có 900 SIM PKI dùng để ký ký trên các thiết bị di động; có 494 chứng thư số đã thu hồi; 5.755 chứng thư số đang hoạt động; 493 chứng thư số chưa hoạt động; 06 chứng thư số hết hiệu lực.
Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ khảo sát tại xã Ea Kênh – Huyện Krông Pắc
Sở TT&TT đang phối hợp với công ty phát triển phần mềm để tiến hành cập nhật các chức năng của phần mềm iDesk theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Công tác văn thư và biểu mẫu Thống kê theo Thông tư số 01/2020/TT-VPCP ngày 21/10/2020 của Văn phòng Chính phủ về quy định chế độ báo cáo định kỳ và quản lý, sử dụng, khai thác hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ.
Tuy nhiên, Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, khó khăn, vướng mắc hiện nay, việc đăng ký mới, thay đổi thông tin chứng thư số mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến việc ký số văn bản điện tử. Việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành để đáp ứng giải pháp kỹ thuật ký số tốn nhiều thời gian. Phần mềm iDesk chưa đáp ứng được Quy trình xử lý hồ sơ điện tử, việc tích hợp, tổng hợp thông tin, tình hình xử lý công việc trên môi trường điện tử, lưu trữ hồ sơ điện tử theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Công tác văn thư.
Đề nghị Văn phòng Chính phủ có hướng dẫn xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp sự cố xảy ra và chịu trách nhiệm nếu để lộ lọt thông tin khi gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng.
Qua khảo sát thực tế tại Krông Pắc và Sở Tư pháp, Đoàn công tác nhận định, việc gửi nhận văn bản của tỉnh thực hiện khá tốt, tuy nhiên vẫn chưa số hóa hoàn toàn các khâu, cần nâng cấp thêm một số tính năng tìm kiếm, phân loại văn bản đính kèm, xây dựng quy trình cụ thể, thống kê tình hình xử lý; quản lý hồ sơ điện tử cần điều chỉnh phù hợp với quy định. Sở TT&TT Tham mưu mở rộng chức năng tìm kiếm nâng cao; Tích hợp chữ ký số tự động; vận hành trung tâm dữ liệu, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, quan tâm nâng cấp trung tâm lưu trữ và bảo mật dữ liệu của tỉnh.
Thời gian đến, Văn phòng Chính phủ sẽ tham mưu sửa đổi Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, thống nhất cách xử lý văn bản mật trên môi trường điện tử; ban hành điều khoản gửi văn bản mật trên môi trường điện tử có mã hóa của Ban Cơ yếu chính phủ. Đề nghị tỉnh tiếp tục tham gia góp ý để tạo lập quy trình xử lý hồ sơ trên môi trường mạng đáp ứng mục tiêu đề ra.