nguồn: internet
Quy định này áp dụng với với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (gọi tắt là người đứng đầu cơ quan); cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập (gọi chung là cán bộ).
Việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Về thẩm quyền, người đứng đầu có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới theo danh mục kèm theo Quy định này khi có một trong những căn cứ theo quy định. Trường hợp chưa có trong danh mục thì do người đứng đầu cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và quản lý xem xét, quyết định tạm đình chỉ công tác.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các cơ quan, đơn vị thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
Người đứng đầu có quyền đề nghị cơ quan chức năng, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu cán bộ bị tạm đình chỉ công tác chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền để phục vụ công tác xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm.
Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Ảnh minh họa) |
Các chức danh có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác
Quy định của Bộ Chính trị đã nêu rõ danh mục các chức danh có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Theo đó, Trưởng các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cấp phó của mình; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Vụ trưởng, cục trưởng và tương đương trực thuộc các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, trưởng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy; bí thư huyện ủy và tương đương. Ngoài ra còn có thẩm quyền đối với người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; cấp trưởng các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp tỉnh.
Bí thư huyện ủy và tương đương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó bí thư huyện ủy; bí thư đảng ủy cấp xã; trưởng, phó ban, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của huyện ủy; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc huyện ủy; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp huyện…
Chủ tịch Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Dân nguyện; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Thủ tướng được quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thứ trưởng và tương đương; chủ tịch UBND cấp tỉnh; người có chức vụ do Thủ tướng bổ nhiệm.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ....
Bộ Chính trị cũng nêu rõ thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phải gia hạn thì thời gian gia hạn tạm đình chỉ công tác tối đa không quá 15 ngày làm việc.
Với trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì thời hạn tạm đình chỉ công tác thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng; thanh tra; kiểm tra; kiểm toán; thi hành án.
Những trường hợp tạm đình chỉ
Căn cứ để tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng là khi cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra.
Trường hợp thứ hai là trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
Về căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết, Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ năm nội dung.
Cụ thể, cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.
Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.
Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị./.