Báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2018 - 2023, Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 28 người tử vong do bệnh dại. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả tỉnh ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh Dại trên người. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn. Ngoài các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, số liệu báo cáo của Cục Thú y trên phần mềm báo cáo dịch bệnh động vật VAHIS, tính đến ngày 18/9/ 2023 cả nước ghi nhận có 267 ca chó, mèo mắc bệnh dại, nghi dại. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 26 ca đứng thứ 4 cả nước về số số ca chó mắc bệnh Dại.
Hình 1: Cán bộ thú y cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và vận động người dân thực hiện tiêm phòng vắc xin dại chó, mèo
Tuy nhiên, việc nhận thức và hiểu các quy định về việc nuôi chó nhiều người chưa biết, chưa hiểu nên đã xảy ra tình trạng để chó thả rông ra đường, không xích, không rọ mõm, đặc biệt ở các khu công công, công viên, trường học… Từ đó tạo nhiều nguy hại tiềm ẩn cho người dân, chó mắc bệnh Dại cắn người. Việc quản lý chó nuôi không tốt, chó thả rông tạo tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân nhất là tại các nơi công cộng, vui trơi giải trí, công viên, phố đi bộ; gây mất cảnh quản đô thị, vệ sinh môi trường. Người bị chó mèo cắn (nhất là đối tượng trẻ em) thường bị ảnh hưởng lâu dài về mặt tâm lý cũng như tổn thương thực thể. Chi phí điều trị dự phòng cũng như các chi phí phát sinh khác cho người bị chó mèo cắn là gánh nặng kinh tế cho gia đình cũng như xã hội, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo làm mất đi chi phí cơ hội cho các hoạt động khác học tập, sinh hoạt, giải trí, việc làm, ...
Hình 2: Công chức Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk thực hiện điều tra về bệnh Dại
Vì mục tiêu "Không có người chết vì bệnh Dại từ năm 2030" mà Chính phủ đề ra, ngành Thú y và Y tế trên cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng không ngừng cố gắng và triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bệnh Dại. Một trong những giải pháp chính yếu đó là tăng cường truyền thông về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc tiêm phòng định kỳ hằng năm cho vật nuôi, thực hiện tốt công tác quản lý chó, mèo nuôi và trong trường hợp bị chó, mèo cắn cần nhanh chóng đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại./.