Một chú voi tại vườn thú Hà Nội
Đề xuất đưa voi Thủ lệ về rừng
Cuối tháng 7, dư luận cả nước xôn xao trước hình ảnh 2 chú voi bị xích chân, gầy mòn trong vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). Thậm chí đã có một phong trào vận động trả Banang về với núi rừng Tây Nguyên, nơi chú đã sinh ra và trưởng thành.
Mới đây nhất, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất phương án đưa 2 con voi ở vườn thú Hà Nội về vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).
Theo văn bản này, Animals Asia cho rằng "Khu chuồng nuôi voi tại vườn thú Hà Nội có diện tích rất chật hẹp, không đủ để đáp ứng các nhu cầu tự nhiên của voi. Trong khi voi cần có không gian di chuyển tự do để cải thiện cũng như duy trì sức khỏe.
Voi cần được tạo điều kiện để thực hiện các hành vi tự nhiên thiết yếu phù hợp với tập tính của loài. Qua đó, giúp cải thiện tình trạng phúc lợi của voi, để con vật có thể có trải nghiệm tích cực, giúp cho voi tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trên thực tế, các cá thể voi ở Vườn thú Hà Nội thường bị xích một chỗ trong thời gian dài và nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng của vườn thú cũng có hạn nên sức khỏe của hai cá thể voi này sẽ ngày càng giảm sút và khó có thể cải thiện nếu chúng phải tiếp tục sống trong điều kiện như vậy".
Tổ chức Động vật châu Á cho rằng, phương án tối ưu nhất là chuyển 2 con voi này về rừng tự nhiên tại vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) nơi đang thực hiện bảo tồn voi. Tổ chức này sẵn sàng tài trợ chi phí vận chuyển, nếu đề xuất được chấp thuận.
Ông David Neale, Giám đốc Phúc lợi toàn cầu của Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) cho biết, việc phải sống trong cảnh xiềng xích ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của hai cá thể voi; đồng thời nhận định thêm, nếu được đưa về Yok Đôn, hai con voi này sẽ được những nhân viên của tổ chức Animals Asia chăm sóc.
"Đó đều là những người có rất nhiều kinh nghiệm chăm voi. Bên cạnh đó, ở đây luôn có chuyên gia trong và ngoài nước, các bác sĩ thú y theo dõi sức khỏe và sự phát triển của chúng", ông David Neale kiến nghị.
Cần tính toán kỹ phương án để có thể chuyển voi "về nhà"
Chiều ngày 14/8/2023, trả lời phóng viên Báo Nhân Dân, ông Lê Sĩ Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội cho biết, tới thời điểm hiện tại, ông mới chỉ tiếp nhận thông tin trên qua phương tiện truyền thông. Thực tế vẫn chưa có cuộc nói chuyện nào giữa Vườn thú Hà Nội, Animals Asia cũng như Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Ông Dũng cho rằng, đề xuất trên vẫn chưa thực sự hợp lý bởi cả hai chú voi đều đã lớn tuổi, đồng thời đã ở Thủ Lệ hơn 10 năm qua. Bởi vậy, nếu không tính toán kỹ phương án vận chuyển, tái thả trong môi trường tự nhiên, hai cá thể voi này rất có thể sẽ chết. Bên cạnh đó, voi là loài có tập tính bầy đàn, voi mới vào sẽ không thể nhập đàn. Do đó rủi ro rất cao.
"Phải tính đến cả trường hợp, voi khi đưa về khu bảo tồn khỏe mạnh nhưng một thời gian nếu nó chết, ai sẽ là người chịu trách nhiệm", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội, hiện nay ở vườn thú Hà Nội chỉ còn duy nhất 2 con voi này, nếu được nuôi dưỡng trong điều kiện như hiện tại chúng có thể sống hàng chục năm nữa. Điều đó liên quan đến việc chịu trách nhiệm bảo tồn.
Trước đó, như Báo Nhân Dân đã phản ánh trong loạt bài, Ký ức voi Tây Nguyên một trong hai chú voi đang được nuôi tại Thủ Lệ có tên là Banang. Đây là chú voi được ông Đàng Năng Long, người được mệnh danh là "vua voi" Đắk Lắk tặng cho Hà Nội.
Trước thông tin về đề xuất đưa voi "trở về nhà", ông Long bày tỏ sự vui mừng nhưng cũng không giấu nổi sự lo lắng. Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông khẳng định: Nếu có thể đưa Banang và Thái (tên hai chú voi tại Thủ Lệ-PV) về lại Tây Nguyên thì rất tốt.
"Banang ngày xưa ở Tây Nguyên. Giờ nếu được về lại quê hương thì nó sẽ mừng lắm. Tôi ra mà gọi, Banang sẽ lên xe theo về liền. Nhưng người khác thì chưa chắc. Do đó, cần phải tính toán rất kỹ về phương án vận chuyển voi thế nào nếu đề xuất được thông qua", ông Long thông tin.
Bổ sung thêm, ông Long cho rằng, ngay cả khi đưa về Yok Đôn, cả hai chú voi cần phải được chăm sóc trong điều kiện gần gũi với con người, thay vì được thả hoàn toàn vào môi trường hoang dã hoặc bán hoang dã.
Với thâm niên hơn nửa thế kỷ gắn bó với voi nhà, ông phân tích: "Voi Banang và Thái đã sống quen với sự chăm sóc của con người. Thời gian chúng gắn bó với con người nhiều hơn ở trong rừng. Ngoài dinh dưỡng, Thái và Banang đã coi con người như đồng loại. Do đó, nếu ngay lập tức thả ra môi trường bán hoang dã, chúng sẽ stress. Tôi cho rằng, ngay cả khi được đưa về, voi cũng cần gặp lại những người trước đây đã từng chăm sóc chúng để quen dần với cuộc sống mới".
"Vua voi" Đàng Năng Long cũng cho biết thêm, ông sẽ sắp xếp công việc để sớm ra Hà Nội để thăm lại Banang, đồng thời tham vấn thêm về số phận của những chú voi tại Thủ Lệ.
Nguồn: nhandan.vn