DetailController

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Chăn nuôi, các nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi

08/10/2023 12:38
Đắk Lắk được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, do dư địa để phát triển còn lớn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định.

Đồng chí Trần Ngọc Sơn, Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phát biểu khai mạc

Hiện quy mô đàn lợn của Đắk Lắk đứng thứ 5/63 tỉnh, thành; đàn gia cầm đứng thứ 7/63 tỉnh, thành; đàn trâu, bò đứng thứ 10/63 tỉnh thành. Theo quy định hiện tại của nhà nước về mật độ chăn nuôi, dư địa phát triển ngành chăn nuôi còn nhiều tiềm năng, quy mô đàn vật nuôi có thể lớn gấp 3 lần hiện nay. Do vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang là điểm đến, thu hút nhà đầu tư, hiện có hàng chục các dự án cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn đang được xúc tiến đầu tư xây dựng và từng bước đưa vào hoạt động.

Ước tính hiện tại đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh đạt 14,98 triệu con; cụ thể: đàn trâu, bò ước đạt 292.000 con; đàn lợn 990.000 con, đàn gia cầm 13.700.000 con, sản lượng thịt hơi ước đạt 189.160 tấn, sản lượng trứng các loại ước đạt 276 triệu quả.

Hiện nay, trong quá trình cơ cấu lại ngành chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk đang hướng tới đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch tễ, chuyển dịch từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, ô nhiễm, rủi ro cao sang sản xuất trang trại theo hướng công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, theo các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, khép kín, đảm bảo tính kinh tế, tuần hoàn, nông nghiệp xanh đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa trong nước, tương thích với quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới các thị trường xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu đó thì cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người làm công tác quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi và các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi phải nắm rõ, hiểu đúng các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về phát triển sản xuất trong lĩnh chăn nuôi.

Đồng chí Nguyễn Nam, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phổ biến Luật Chăn nuôi và các quy định của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi

Chính vì vậy Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 02 ngày tập huấn về tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật và chính sách phát triển sản xuất trong lĩnh vực giống vật nuôi; điều kiện sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; chương trình quản lý lợn đực giống trên địa bàn tỉnh và Tập huấn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chính sách, quy định có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi; về thực hiện điều kiện chăn nuôi; các chính sách quy định tại địa phương về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 vào ngày 02 và ngày 03/10/2023.

Tham dự tập huấn có Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh; Phòng Chăn nuôi; Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột; Tổ công tác quản lý lợn đực giống các huyện, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột; Đại diện chủ cở sở chăn nuôi, sản xuất, khai thác, kinh doanh lợn đực giống; Đại diện chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; Đại diện chủ doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi; Đại diện chủ cở sở trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Đại biểu tham dự tập huấn chụp hình lưu niệm

Qua hai ngày tập huấn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi với sự tham gia của hơn 120 đại biểu, các học viên đã nâng cao nhận thức về việc tuân thủ, thực hiện đúng các quy định pháp luật trong hoạt động chăn nuôi. Từ đó, tạo sự đồng thuận và thống nhất trong nhận thức và hành động, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và tăng cường hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong chăn nuôi. Qua đó, từng bước kiểm soát nguồn giống, dịch bệnh, quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi từ trang trại tới nông hộ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và hướng tới việc phát triển ngành chăn nuôi ổn định, bền vững./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

LienKetView