Diện mạo Đắk Lắk ngày càng đổi thay nhờ chương trình nông thôn mới
Khởi sắc ở vùng quê
Đường về xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) hôm nay đã được nhựa hoá bóng loáng, từ thôn buôn cho đến tận trung tâm xã. Đây là điều bà con mong ước từ lâu nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, phát triển kinh tế. Theo lãnh đạo địa phương, thành quả trên là nhờ triển khai hiệu quả chương trình nông thôn mới.
Theo đó, cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong những năm qua, xã Ea Ning đã huy động người dân hiến đất, góp tiền, ngày công thực hiện mở rộng, bê tông hoá nhiều tuyến đường. Theo thống kê của UBND xã Ea Ning, tổng số tuyến đường giao thông các loại trên địa bàn là 168 tuyến với 151,38 km (gồm: Đường liên xã, liên thôn, buôn, nội thôn, buôn và đường ngõ xóm). Trong đó, đã nhựa hóa, bê tông hóa được 77,79km, chiếm 51,4%, đổ cấp phối đá dăm được 58,61 km, chiếm 38,7% còn lại 14,98 km là đường đất thuộc các tuyến đường xóm, ngõ xóm và 23 km tuyến đường đất nội đồng không lầy lội vào mùa mưa, từ đó giúp người dân thuận lợi đi lại, giao thương, phát triển kinh tế.
Đường giao thông ở xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) được bê tông hoá từ thôn buôn cho đến tận trung tâm xã
Ông Nguyễn Văn Tân - người dân xã Ea Ning chia sẻ, con đường rất có ý nghĩa với bà con, nhất là những hộ làm nông như gia đình ông. Bởi, mỗi mùa thu hoạch nông sản, nhu cầu vận chuyển, đi lại rất lớn. Nếu không có tuyến đường bê tông kiên cố, bà con sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao đồng nghĩa với nguồn thu của bà con giảm đi đáng kể. Ngoài ra, nhờ có tuyến đường thuận lợi mà bà con từ các nơi khác cũng về địa phương giao thương, thúc đẩy trao đổi mua bán hàng hoá. Kinh tế người dân từ đó cũng khá lên, ổn định hơn, cuộc sống đổi thay theo hướng tích cực.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, xã Ea Ning còn chú trọng công tác tạo không gian sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, giải trí cho bà con. Hiện tỷ lệ thôn, buôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng: 14 thôn, 1 buôn có nhà văn hóa (đạt 100%). Trong 6 tháng đầu năm 2024 thôn 14 đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp công sức và tiền cùng sự hỗ trợ của xã và huyện, xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà văn hoá thôn, với tổng diện tích là 115m2, tổng số tiền 398 triệu (nhân dân đóng góp 198 triệu đồng, xã hỗ trợ 100 triệu đồng, huyện hỗ trợ 100 triệu đồng).
Ông Phạm Bá Thuỷ - Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục nổ lực, huy động sức dân cùng chung tay thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao. Phía xã kiến nghị cấp trên sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư, kịp thời giải ngân cho các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí thực hiện chương trình, đặc biệt quan tâm đến kết cấu hạ tầng của xã như: Đường giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hoá, hộ nghèo, hệ thống kênh mương thủy lợi, đảm bảo nước tưới, nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập cho người dân.
Công tác giáo dục cũng được xã Ea Ning quan tâm, các trường học được đầu tư bài bản, sạch đẹp
Kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, nhân dân hưởng ứng tích cực phong trào thi đua “Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới”, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Các địa phương không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Thành phố Buôn Ma Thuột là đơn vị tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có xã Hòa Thuận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 4 xã đang được Hội đồng thẩm định xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Một số địa phương đã tập trung và thực hiện tốt công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch chung nông thôn sau năm 2020 như: Cư M’gar, Krông Bông, M'đrắk, Krông Ana, Cư Kuin, Buôn Đôn, Buôn Hồ.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên ở huyện Krông Năng
Kết quả về xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí tăng so với đầu năm 2024: có 79 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (tăng 01 xã so với đầu năm 2024), đạt 2.440 tiêu chí/2.869 tiêu chí (đạt tỷ lệ 85,04%), tăng 04 tiêu chí so với đầu năm 2024; bình quân đạt 16,26 tiêu chí/xã, tăng 0,13 tiêu chí/xã so với đầu năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn 2 xã đạt dưới 10 tiêu chí (xã Cư San huyện M’Drắk đạt 7/19 tiêu chí, giảm 1 tiêu chí so với đầu năm 2024; xã Ea Dăh, huyện Krông Năng đạt 5/19 tiêu chí, giảm 1 tiêu chí so với đầu năm 2024).
Trong 6 tháng cuối năm, Đắk Lắk phấn đấu tiếp tục thực hiện, giữ vững tiêu chí đã đạt được và nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; phấn đấu đến hết năm 2024, lũy kế toàn tỉnh có 85/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,29% (đạt 100% kế hoạch). Số tiêu chí đạt bình quân là 16,3 tiêu chí/xã: Đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch (vượt 0,3 tiêu chí/xã).
Có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch). Phát triển, công nhận/chứng nhận cho khoảng 40-50 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân ở nông thôn. Tập trung chỉ đạo và thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực.