Toàn cảnh Hội nghị
Theo số liệu thống kê năm 2023: diện tích sầu riêng tỉnh Đắk Lắk là 32.785 ha, tăng 10.326,4 ha so với năm 2022; sản lượng đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm 2022. Hiện nay toàn tỉnh đã có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng với tổng diện tích 2.521 ha đã được phía Trung Quốc cấp mã số phục vụ xuất khẩu.
Về xây dựng nhãn hiệu sầu riêng, Đắk Lắk đã có hai huyện được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” và “Sầu riêng Cư M’gar”; có 2 huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H’leo.
Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị
Tỉnh Đắk Lắk đã cấp 266 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.292 ha (chiếm 79,8% diện tích trồng thuần và 46% so với diện tích cho sản phẩm). Về sơ chế, chế biến, toàn tỉnh có 251 cơ sở thu mua, trong đó tập trung tại một số huyện, thị xã như: Krông Pắk 101 cơ sở, Cư M’gar 64 cơ sở, Krông Búk 11 cơ sở, Buôn Hồ 10 cơ sở...
Đại tá Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, theo ghi nhận thời gian qua việc “tăng trưởng nóng về diện tích, sản lượng” sầu riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường. Ngành hàng sầu riêng còn thiếu liên kết yếu vùng trồng, tổ chức sản xuất, hoạt động thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sầu riêng; nhiều vùng sản xuất sầu riêng còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chưa được kiểm soát đầy đủ...
Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi nhiều ý kiến xoay quanh những vấn đề về bảo đảm chất lượng trái sầu riêng xuất khẩu từ các khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, sơ chế; quy trình, giải pháp đồng bộ để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Để tận dụng lợi thế và phát huy xuất khẩu mặt hàng sầu riêng, Bà Ngô Tường Vy Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho hay: Hiệp hội sầu riêng tỉnh sẽ tiếp tục chủ động xây dựng giải pháp cùng với các Hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua giải quyết đầu ra cho sầu riêng bền vững, mang lại lợi ích cho người nông dân. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông cho người dân về mô hình canh tác sầu riêng hiệu quả, tự bảo vệ chính mình, bảo vệ nguồn đất, diện tích canh tác, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật,... Bên cạnh đó, bà Vy đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ danh sách mã số vùng trồng được kiểm tra sớm, kịp thời; cải thiện chuỗi liên kết thấu hiểu đồng hành giải quyết tốt nguồn hàng sầu riêng, phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, phía thị trường Trung Quốc (thị trường tiêu thụ phần lớn sầu riêng của Việt Nam) cảnh báo một số lô hàng vượt dư lượng cadimi; do vậy, đại diện các huyện, thị xã, thành phố, các HTX mong cơ quan chuyên môn triển khai test thử các mẫu kịp thời trước khi vào thu hoạch chính vụ nhằm bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng vụ 2024 thuận lợi, đạt giá trị và hiệu quả cao nhất.