Trekking (đi bộ xuyên rừng) là hoạt động được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn khi đến Vườn Quốc gia Yok Don, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh do Vườn Quốc gia Yok Don cung cấp).
Khám phá, thám hiểm những vùng đất thiên nhiên hoang sơ đang là xu hướng du lịch được giới trẻ ưa chuộng.
Phải chăng đây là cơ hội để những vùng đất du lịch gắn với thiên nhiên như Đắk Lắk mở ra những hướng khai thác dịch vụ mới: du lịch rừng?
Anh Nguyễn Nguyên Long, chủ nhân Đề án Đào tạo kỹ năng sinh tồn Con Rồng Cháu Tiên (TP Đà Nẵng) chia sẻ, nói đến du lịch rừng núi, bạn trẻ nào cũng rất thích, càng là bạn trẻ lớn lên ở đô thị lại càng thấy hấp dẫn với những khung cảnh hoang dã.
Tuy nhiên, để mở những tour khám phá du lịch rừng thì ngành du lịch các địa phương phải có sự chuẩn bị thật tốt. Đắk Lắk là một địa phương có tiềm năng thực hiện điều này…
Vùng đất của rừng
Đắk Lắk là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, với hệ sinh thái rừng - nông nghiệp đa dạng và phong phú về số lượng loài thực vật, có hệ sinh thái rừng khộp điển hình của cả nước; trong rừng có nhiều loài động vật đặc hữu và quý hiếm.
Diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk hiện chủ yếu nằm ở những vùng địa hình hiểm trở, dốc đứng, và trong các khu bảo tồn thiên nhiên.
Tỉnh hiện có 6 khu vực bảo tồn, gồm Vườn Quốc gia Yok Don (110.919 ha), Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (59.269 ha), Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar (20.469 ha), Rừng lịch sử - văn hóa – môi trường Hồ Lắk (10.333,6 ha), Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (26.848 ha) và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh thủy tùng (59,6 ha).
Đây là những khu vực tập hợp, nơi sinh trưởng của rất nhiều loài thực vật và động vật tự nhiên, có nhiều đặc điểm dị biệt cần được bảo vệ, giữ gìn.
Đơn cử, Vườn Quốc gia Yok Don là vùng thảm thực vật tự nhiên độc đáo, có hệ sinh thái rừng khộp gồm hàng trăm loại thực vật quý, 44 loài thú, 45 loài chim có nguy cơ tuyệt chủng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô được đánh giá là môi trường sống lý tưởng của các loại động vật rừng bộ guốc, là khu bảo tồn loài bò hoang dã tại Việt Nam.
Đặc biệt, Khu bảo tồn loài – sinh cảnh thủy tùng là nơi duy nhất còn hơn 140 cá thể cây thủy tùng tự nhiên ở nước ta.
Với một diện tích rộng và mật độ phủ kín rừng đa dạng như vậy, Đắk Lắk chính là điểm hẹn lý tưởng cho những ý tưởng du lịch thám hiểm, du lịch trải nghiệm không gian rừng tự nhiên.
Do những yêu cầu về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cảnh quan, nhất là những khu vườn bảo tồn, nên lâu nay việc tổ chức các hoạt động vào rừng tại địa phương chủ yếu phục vụ khảo cứu khoa học, giới thiệu địa lý là chính.
Cần mở ra những cơ hội mới
Theo các nhà tư vấn, xu hướng vận động, phát triển du lịch thế giới hôm nay là nhu cầu được trải nghiệm của du khách trong môi trường tự nhiên, những vùng địa hình hấp dẫn, thử thách.
Nhất là giới trẻ hiện đại, khao khát phiêu lưu, tìm tòi những cái mới lạ, thực sự là trào lưu ngày càng bùng nổ.
Cho nên, tổ chức khai thác, triển khai những mô hình trải nghiệm mới về rừng núi, những khu vực độc lạ là cơ hội tuyệt vời để các địa phương, khu vực có tiềm năng khai thác hiệu quả, phát triển du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm thực tế.
Khách du lịch nước ngoài đi thuyền trên sông Sêrêpốk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh do Vườn Quốc gia Yok Don cung cấp).
Theo anh Nguyễn Nguyên Long, có tối thiểu ba yêu cầu tổ chức khai thác du lịch rừng nhìn từ góc độ quản lý.
Thứ nhất, cần khoanh vùng, mạnh dạn có chủ trương tổ chức du lịch mạo hiểm, thám hiểm… cho những khu vực rừng bảo vệ không quá ngặt nghèo, có điều kiện tương tác thuận tiện với bên ngoài, giao cho các đơn vị, tổ chức vừa có tính chất khoa học, vừa có khả năng tổ chức du lịch nghiên cứu và đề xuất.
Thứ hai, cần hợp tác với chính cư dân bản địa, sử dụng những nguồn kiến thức trong cộng đồng, những người có uy tín ở địa phương để tổ chức các nhóm hướng dẫn, tư vấn…, đào tạo các kỹ năng hỗ trợ thêm để kiểm soát, dẫn dắt du khách một cách an toàn, hứng thú.
Thứ ba, cần có những bộ tiêu chí ứng xử, kiểm tra sức khỏe, ý thức chấp hành, kiến thức hiểu biết về môi trường rừng của du khách, từ đó khuyến khích, hướng dẫn du khách lựa chọn những mô hình, loại hình du lịch khám phá rừng phù hợp.
Từ định hướng này, có thể thấy, những địa phương như Đắk Lắk cần xem xét, thử nghiệm những hành trình mới trong tổ chức du lịch địa phương, đi từ thực tế nhu cầu những nhóm, tốp du khách trải nghiệm đầu tiên, đến những đợt sự kiện, tổ chức các chương trình du lịch khảo nghiệm chuyên nghiệp, thể thao mạo hiểm chuyên nghiệp.
Bằng cách này, địa phương có thể mời gọi được nhiều nhóm du khách, vận động viên… có kinh nghiệm thực tế về du lịch khám phá đến với Đắk Lắk, cùng tham gia, góp ý tìm hiểu cơ hội mở ra những dịch vụ du lịch rừng độc đáo hơn.
Ngành du lịch địa phương cần đề xuất, hợp tác tổ chức những mô hình du lịch rừng từ góc độ giới thiệu, tìm hiểu, đến những hoạt động đầu tư chuyên nghiệp hơn về trải nghiệm, mạo hiểm, du ký…
Qua đó, các không gian rừng sẽ được đánh giá đúng mức độ, khoanh vùng những khu vực có thể khai thác du lịch khám phá, trải nghiệm khác nhau, đem lại những hiểu biết, tìm hiểu tích cực từ du khách. Việc xây dựng những tour tuyến du lịch rừng phù hợp sẽ có thể được đặt ra và từng bước tổ chức.
Voi chăn thả tự nhiên trong Vườn Quốc gia Yok Don, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh do Vườn Quốc gia Yok Don cung cấp).
“Vào rừng không phải đối mặt nguy hiểm. Vào rừng để biết được nhiều hơn, và thấy được nhiều cơ hội bản thân hơn. Đó là những yêu cầu mới với du lịch rừng, một vấn đề còn xa lạ nhưng đang rất cần được xem xét, tổ chức đúng với những địa phương có cảnh quan thiên nhiên đặc trưng như Đắk Lắk”, anh Long cho biết.