Tập thể LĐ Sở và CBCC tại Sở NN&PTNT.
Theo đó, đối với Chỉ số CĐS cấp sở, Sở Nông nghiệp và PTNT dẫn đầu với 0,91507 điểm; tiếp đến là Sở Công Thương (0,89446 điểm), Sở Tài chính (0,886 điểm). Xếp vị trí cuối bảng là Ban Dân tộc tỉnh (0,594 điểm), Sở Giao thông vận tải (0,69738 điểm) và Sở GD-ĐT (0,75311 điểm).
Đối với Chỉ số CĐS cấp huyện, xếp vị trí thứ nhất là UBND thành phố Buôn Ma Thuột, với 0,91416 điểm; xếp thứ nhì là UBND huyện Krông Pắc (0,90512 điểm); xếp thứ ba là UBND huyện Ea H'leo (0,883075 điểm). Đứng vị trí cuối bảng là UBND huyện Ea Kar (0,5046 điểm), UBND huyện M'Drắk (0,59352 điểm) và UBND huyện Krông Bông (0,683975 điểm).
Năm 2023 là năm thứ tư tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện đánh giá Chỉ số CĐS của các cơ quan, nhà nước thuộc tỉnh.
Chỉ số CĐS cấp sở được đánh giá dựa trên 2 nhóm tiêu chí (Nhóm chỉ số nền tảng chung và Nhóm chỉ số hoạt động), 41 chỉ số thành phần của 6 chỉ số chính là: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Hoạt động chính quyền số.Chỉ số CĐS cấp huyện gồm 2 nhóm (Nhóm chỉ số nền tảng chung và Nhóm chỉ số hoạt động), 65 chỉ số thành phần của 8 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số.
Việc xếp hạng Chỉ số CĐS tỉnh Đắk Lắk (DTI) là cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển, chuyển đổi số của tỉnh; tạo điều kiện để các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chỉ số, các tiêu chí thành phần về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị; đồng thời xây dựng các chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu chung của tỉnh…
Tác giả tham dự Hội thảo Chuyển đổi số Xu thế tất yếu của sự phát triển tại TP BMT.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng. Chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, Sở đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhiều nông dân đã tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và giám sát quy trình sản xuất. Đối với hoạt động kinh doanh, nhiều sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng xã hội quảng bá, giới thiệu, bán trực tuyến. Bên cạnh đó hàng năm đều xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể để từng bước triển khai từ khâu quản lý, quản trị đến ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản hay thuỷ lợi… Chúng tôi cũng đã kiến nghị tỉnh cho chủ trương xây dựng 1 đề án hệ thống hoá lại những nội dung cần thiết phải làm và cần kết nối trong chuyển đối số trong nông nghiệp để có thể ứng dụng phù hợp trong thực tiễn sản xuất cũng như thực tiễn quản lý.