Sầu riêng đông lạnh là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi
Ngày 19/9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc.
Hội nghị đón nhận sự quan tâm của gần 30 Sở NN-PTNT, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Hiệp hội sầu riêng và các đơn vị xuất khẩu, hợp tác xã, đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tháng 8 vừa qua, việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này, là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.
Sầu riêng đông lạnh, bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), là sản phẩm có tiềm năng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.
Tại Hội nghị, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phổ biến Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Cùng với đó, hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248.
Những điều đặc biệt cần lưu ý
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, hội nghị đã cung cấp những hướng dẫn quan trọng để triển khai việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Trong đó, có hướng dẫn Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói đăng ký mã số doanh nghiệp theo Lệnh 248.
Trong thời gian tới, ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là các điểm sau:
- Về sầu riêng đông lạnh: bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ các vùng trồng sầu riêng được đăng ký, quản lý và giám sát tại Việt Nam.
- Nhiệt độ đông lạnh: ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 1 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt -18°C hoặc thấp hơn và được duy trì mức nhiệt độ lõi từ -18°C trở xuống hoặc thấp hơn trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - "Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh" (CAC / RCP 8-1976).
- Phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
- Các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải đảm được đăng ký mã số doanh nghiệp theo Lệnh 248 với GACC.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị nâng cao công nghệ cấp đông, chất lượng sản phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất sầu riêng đông lạnh. Việc nâng cao công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ khâu sản xuất đến khâu đóng gói và vận chuyển đặc biệt là các thiết bị, kho cấp đông.
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo không xảy ra sai sót nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc và các biện pháp quản lý cũng như giám sát sinh vật gây hại cùng vệ sinh an toàn thực phẩm hại một cách khoa học, hiệu quả.
Để có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quy định cho các địa phương, Hiệp hội, vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu.
Sở NN-PTNT cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong sản xuất, đóng gói sầu riêng đông lạnh và trong việc sử dụng mã số, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.
Hỗ trợ Hiệp hội, Doanh nghiệp xuất khẩu, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu kiểm soát về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và việc tuân thủ theo các quy định của nước nhập khẩu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, chế biến sầu riêng đông lạnh, ôgn Đạt đề nghị cần nghiên cứu kỹ các quy định của Trung Quốc và tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Nghị định thư và quy định của Trung Quốc, chủ động xây dựng các chuỗi liên kết thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo cho việc truy xuất khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, đầu tư nâng cấp công nghệ cấp đông, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói để triển khai thực hiện tốt các quy định của Nghị định thư sầu riêng đông lạnh trong thời gian tới.
Quản lý cơ sở đóng gói, chế biến cần tuân thủ yêu cầu của thị trường xuất khẩu
Người tham gia hội nghị trực tuyến đặt thêm các câu hỏi về đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc về kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quản lý cơ sở chế biến, đóng gói và thiết lập quy trình truy xuất nguồn gốc.
Trả lời cụm câu hỏi trên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, theo Lệnh 248, doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu của GACC và cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu về kiểm tra và kiểm dịch.
Bộ NN-PTNT đã ban hành công văn 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng theo các yêu cầu của Bộ NN-PTNT.
Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, doanh nghiệp cần thực hành nông nghiệp tốt và đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu. Đối với chủ đề doanh nghiệp quan tâm, cần tuân thủ các tiêu chí theo Lệnh 248. Trong đó, cơ sở vật chất, kho chứa thường, kho lạnh và thiết bị sản xuất phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhà máy và cơ sở chế biến đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm được GACC xét duyệt hồ sơ và cấp mã đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cùng với đó, việc xây dựng mã số vùng trồng là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu mà thu mua sầu riêng từ các vườn trồng của nông dân, HTX, thì doanh nghiệp cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với từng lô hàng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm ATTP cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu
Tại Hội nghị, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu từ Tiền Giang đặt câu hỏi liên quan đến mã số vùng trồng để kiểm soát nguyên liệu sầu riêng xuất khẩu đông lạnh; đơn vị, phòng lab được chỉ định để doanh nghiệp gửi sản phẩm đến kiểm tra, kiểm dịch cho sản phẩm sầu riêng cấp đông; hồ sơ minh chứng về quản lý chất thải; thời gian và quy trình kiểm tra sầu riêng đông lạnh khác biệt so với sầu riêng tươi…
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, GACC không yêu cầu các vùng trồng có giấy chứng nhận. Tuy nhiên, các vùng trồng này phải được cấp mã số theo hướng dẫn, nội dung của Công văn 1776 của Bộ NN-PTNT về về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, để cung cấp thông tin khi phía Trung Quốc có yêu cầu.
Đối với các hàng hóa thông thường, sau khi hoàn tất lấy mẫu, sau 24 giờ sẽ trả lời kết quả, tuy nhiên với sầu riêng đông lạnh thì Cục sẽ có hướng dẫn riêng về cách thức kiểm tra và cấp giấy.
Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật làm rõ nội dung về kiểm dịch thực vật. Theo đó, với giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nội hàm triển khai khác với nội hàm với kiểm dịch thực vật thông thường với lô hàng quả tươi, có cách thức và nội dung, thời gian kiểm tra khác nhau, do sầu riêng đông lạnh có yêu cầu về ATTP (tạp chất, kim loại năng, vi sinh vật gây hại cho người…).
Bà Lương Thị Hải Yến, chuyên viên Cục Bảo vệ thực vật, dẫn điều 1 của Nghị định thư về kiểm soát nhiệt độ đông lạnh, quy định rõ “đông lạnh ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 1 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt -18°C hoặc thấp hơn và được duy trì mức nhiệt độ lõi từ -18°C trở xuống hoặc thấp hơn trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - "Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh" (CAC/RCP 8-1976).
Về kiểm soát ATTP và kiểm soát về nhiệt độ, quản lý ATTP là quản lý nguy cơ dựa trên phân tích nguy cơ, khi doanh nghiệp đăng ký xem toàn bộ hệ thống ATTP và có điểm kiểm soát tới hạn đối với ATTP và nhiệt độ.
Việc thực hiện điểm kiểm soát tới hạn do doanh nghiệp quyết định để đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Trong trường hợp xảy ra sự cố, phải thực hiện hành động khắc phục và truy xuất. Nếu xuất hiện sự cố về đông lạnh và ATTP, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp từ nhẹ đến nặng.
Hiện Trung Quốc chưa yêu cầu đối với mỗi lô hàng xuất khẩu có phiếu phân tích về ATTP và kiểm soát về lạnh. Việc tự kiểm soát của doanh nghiệp sẽ theo danh sách cập nhật trên CIFER, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đối chiếu hồ sơ.
Cục Bảo vệ thực vật giải đáp thắc mắc
Nhiều câu hỏi của các đại biểu đã được gửi về qua zoom liên quan đến các vấn đề như: Trung Quốc có yêu cầu về giống sầu riêng hay không? Đối với thủ tục đăng ký xuất khẩu sầu riêng đông lạnh thì vai trò, trách nhiệm của các chi cục địa phương như thế nào? Hợp tác xã có trực tiếp đăng ký mã vùng cho vùng trồng được hay không? danh mục hồ sơ bao gồm những loại hồ sơ nào và theo tiêu chuẩn cụ thể nào? Vùng xen canh có đủ điều kiện để được cấp hay không? Thời gian xét duyệt hồ sơ và nộp hồ sơ cho cơ quan cấp nào tiếp nhận? Nhiệt độ bảo quản -18 độ C cụ thể ra sao? Giải thích cụ thể hơn về 12 tiêu chí an toàn thực phẩm để giúp các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh nắm rõ hơn?...
Trả lời cho các vấn đề này, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho hay, không yêu cầu đối với giống sầu riêng. Về vai trò của các Chi cục Bảo vệ Thực vật và Trồng trọt địa phương thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới Luật. Về nhiệt độ xem lại kỹ điều thứ nhất của Nghị định thư, nhiệt độ phải là tâm của sản phẩm, không phải nhiệt độ phòng. Vùng nguyên liệu theo điều 4 của Nghị định thư.
Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ quản lý và giám sát các vườn cung cấp nguyên liệu cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào. Theo đó sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Văn bản số 1776.
Với 12 tiêu chí về an toàn thực phẩm, sau hội nghị hôm nay Cục Bảo vệ Thực vật sẽ có những hướng dẫn cụ thể thêm. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ thì Cục sẽ có thông báo sau 3 - 7 ngày về địa chỉ email đăng ký trên hệ thống, nếu có điểm nào chưa rõ sẽ được giải thích từng điểm.
Nhân viên chế biến do doanh nghiệp chỉ định cần được cấp chứng nhận HACCP
Từ điểm cầu Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, cho biết doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực cấp đông sầu riêng từ năm 2022, với sản lượng dự kiến năm nay đạt 4.000 - 5.000 tấn.
Theo Điều II của Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, phía Việt Nam phải đảm bảo rằng các công đoạn như tách vỏ, tách múi và chế biến khác của sầu riêng đông lạnh được thực hiện bởi các nhân viên được chỉ định. Để ngăn ngừa lây nhiễm chéo, nhân viên này phải làm việc trong khu vực sản xuất trong suốt quá trình chế biến và đóng gói.
Đối với doanh nghiệp, việc hiểu rõ các tiêu chí về "nhân viên được chỉ định" là rất quan trọng để đảm bảo tuyển chọn đúng người, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cũng cho biết, trong tiêu chí đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu, có yêu cầu về việc thiết lập và vận hành hệ thống HACCP.
Theo đó, nhân viên cần được đào tạo và cấp chứng nhận HACCP. Khi đạt được các chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ có đội ngũ nhân lực đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu.
Sẽ có các lớp tập huấn về quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cho Đắk Lắk
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, phát biểu, Sở đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật sẽ có buổi tập huấn cho địa phương trong thời gian sớm nhất để địa phương có thể phổ biến các quy định cho các đơn vị có nhu cầu xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.
Trả lời cho vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho hay, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ có các lớp tập huấn hướng dẫn cho địa phương. Tuy nhiên, địa phương cũng cần phải tìm hiểu để nắm rõ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đặc biệt là 12 tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Gia Lai định hướng trồng tối đa 6.000ha sầu riêng
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết tỉnh có diện tích sầu riêng khoảng 5.800ha, diện tích tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 2.500ha. Tỉnh hiện có 54 mã số vùng trồng, 6 cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp Gia Lai định hướng tiếp tục phát triển ổn định cây sầu riêng, tối đa khoảng 6.000ha, không ham phát triển nóng. Thay vào đó, Gia Lai tập trung vào việc huấn luyện, đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp để xuất khẩu sang Trung Quốc.
13 tiêu chí đánh giá doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc
Theo Lệnh 248, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải thực hiện quy định đăng ký mới. Quy định này yêu cầu các cơ sở phải đăng ký và được cấp phép trước khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Lệnh 248 quy định việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản trên Hệ thống Thương mại Một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được GACC đánh giá theo 13 tiêu chí và công nhận là tương đương với tiêu chuẩn của Trung Quốc. Một số tiêu chí gồm tiêu chuẩn và biện pháp quản lý nguyên liệu thô, truy xuất nguồn gốc, thiết lập và vận hành hệ thống HACCP, làm sạch và tiệt trùng, kiểm soát hóa chất/chất thải…
Đối với sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống quản lý ATTP hiệu quả. Kho chứa lạnh cần đáp ứng tiêu chuẩn, cũng như chất lượng nước, nước đã, hơi nước dùng trong quá trình sản xuất phải đảm bảo.
Sau khi nhận hồ sơ từ doanh nghiệp, GACC sẽ thẩm tra, xử lý hồ sơ và thông báo kết quả trên hệ thống CIFER. Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sẽ nhận được số đăng ký tại Trung Quốc. Giấy phép đăng ký có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, doanh nghiệp phải in trên nhãn bao bì sản phẩm mã đăng ký sản xuất thực phẩm xuất khẩu và số đăng ký kiểm dịch được Việt Nam cấp.
Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện ATTP cho phía Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh thêm, Trung Quốc có quy định rất rõ ràng và chặt chẽ nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Do đó, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường 1,4 tỷ dân thuận lợi hơn.
Trung Quốc sẽ tăng lượng nhập khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh. Con số này dự kiến cũng sẽ tăng.
Ngày 19/8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh, ông Hiếu cho biết, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh, vì nó phù hợp hơn. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.
Thông tin thêm về nhiệt độ và thời gian bảo quản thích hợp sầu riêng đông lạnh, ông Hiếu nói: Trong bản dự thảo đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu bảo quản lạnh trong 8 giờ đồng hồ. Tham khảo quy định của Thái Lan, Malaysia, chúng ta đưa ra phương án bảo quản lạnh -18 độ trong 1 giờ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ lạnh sâu, nhanh. Công nghệ này hiện đại, giữ được sầu riêng tươi ngon lâu.
Ngành hàng sầu riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Một trong các thách thức mà nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là Trung Quốc đang thử nghiệm 2.700ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam. Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra.
“Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, thì Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nói.
Một trong những điều khác biệt của sầu riêng đông lạnh, đó là việc mặt hàng này được coi như “thực phẩm”. Do đó, nó sẽ phải tuân thủ Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị muốn xuất khẩu phải đăng ký và được phía Trung Quốc chấp thuận. Nhãn mác phải ghi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung, bắt buộc phải có dòng chữ "This product is being exported to the People's Republic of China". Cục BVTV lưu ý các đơn vị ghi nguyên văn dòng này, không dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Trung.
Ghi tại cột khai báo bổ sung của Giấy chứng nhận Kiểm dịch Thực vật: "The frozen durian certified by this phytosanitary certificate complies with the provisions of the Protocol on Inspection, Quarantine and Sanitary Requirements for Frozen Durian Exported from Viet Nam to China signed by Viet Nam and China on ____, 202X". Dòng chữ này cũng phải được ghi nguyên văn.
Về thông tin Nghị định thư chỉ có thời hạn 3 năm, ông Hiếu cho biết đây là thông tin không chính xác: “Nghị định thư có hiệu lực 5 năm và được tự động gia hạn thêm 5 năm, nếu 6 tháng trước khi Nghị định thư hết hạn mà không có bên nào đề xuất chấm dứt bằng văn bản”.
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD năm 2024
Ngày 19/8 vừa qua, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. "Hiện nay, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đang là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp, người dân và các địa phương trong việc triển khai tổ chức sản xuất cũng như xuất khẩu", ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, phát biểu.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật thông tin thêm, năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi từ các nước và 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia. Với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới. Việc mở cửa thị trường này nhằm tận dụng được lợi thế của thị trường Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị hôm nay, sau hội nghị hy vọng sẽ có nhiều lớp tập huấn được tổ chức cho các cán bộ, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ Thực vật sẽ hỗ trợ tối đa để các đơn vị tận dụng được Nghị định thư này.
8 giờ 30 phút
Cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam
Mở đầu diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, trong việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức như nông sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Do đó, để xuất khẩu nông lâm thủy sản bền vững, việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế là vô cùng quan trọng. Những tiêu chuẩn này dựa trên cơ sở khoa học và tuân thủ theo thông lệ quốc tế.
Báo Nông nghiệp Việt Nam là cơ quan thường trực Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970. Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT giao, Báo đã phối hợp với nhiều đơn vị thuộc Bộ tổ chức hàng trăm diễn đàn, hội thảo, hội nghị... nhằm kết nối tiêu thụ nông sản, cũng như giới thiệu, phổ biến các quy định mới trong việc xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường trên thế giới. Điều này cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Báo Nông nghiệp Việt Nam đặt ra, đó là truyền thông chính sách, đặc biệt là truyền thông chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam. Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt tăng thị phần và giá trị xuất khẩu.
Ngày 19/8 vừa qua, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có mặt hàng sầu riêng đông lạnh.
Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.
“Cục Bảo vệ thực vật và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, một lần nữa nhằm nỗ lực thực hiện cam kết thiết lập các cơ chế thông tin nhanh chóng, giúp truyền tải các quy định và yêu cầu từ thị trường quốc tế đến địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và bà con nông dân”, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Theo đó, hội nghị sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về những quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc với sự giải đáp của cơ quan quản lý, các chuyên gia, tạo tiền đề cho những cơ hội lớn cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.